Thứ Ba, 15 tháng 1, 2008

NGHĨ VỀ ĐỨC TÍNH HY SINH CỦA NGƯỜI LÀM QUAN

Cán bộ là “đầy tớ”, “công bộc” của dân. Trung thành với lợi ích của nhân dân và dân tộc. Người cán bộ ngoài những phẩm chất đạọ đức” cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” người công bộc, phục vụ nhân dân còn có đức tính”hy sinh”.
Hy sinh là một phẩm chất, đức tính của những người yêu nước, người cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến, đức tính “hy sinh , cống hiến” của người cán bộ cách mạng đã cảm hoá nhân dân - “đã bước chân vô là phải chịu tù đày, dù gươm kề cổ súng kề tai…”. Họ chấp nhận và hy sinh cả bản thân mình vì một mục đích-Độc lập, Tự do của Tổ quốc, Hạnh phúc của nhân dân!… Những con nguời cách mạng đã được sự yêu mến, bảo bọc của nhân dân, sống mãi cùng non nước! . Những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh không ai đòi hỏi sự “ trả công”, đền đáp, có chăng, là đạo nghĩa của con nguời sống hôm nay nghĩ đến tiền nhân, không chỉ trong hơn 60 năm mà cả hơn bốn nghìn năm qua…. Nếu trong kháng chiến mỗi người chỉ nghĩ rằng ta làm cách mạng để làm quan thì chẵng ai dám hy sinh, chẵng ai tham gia tranh đấu. Cán bộ hy sinh, nhân dân cũng hy sinh. Không có nhân dân cách mạng có thắng lợi ngày hôm nay?!
Cách mạng thắng lợi. Chính quyền đã về tay nhân dân. Đảng đã nắm chính quyền. Nói về đạo nghĩa, cán bộ, “ công bộc” của dân bây giờ càng phải biết hy sinh nhiều hơn. Hy sinh hôm nay chỉ một chút “quyền” và “lợi”-Vui sau thiên hạ, lo trước thiên hạ. Ngày, đêm lo nghĩ làm sao cho dân giàu, nước mạnh, làm sao để”dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, cuộc sống nguời dân ngày một tốt đẹp hơn, sống ấm êm, yên bình, tuyệt đối an toàn trong cuộc sống xã hội để mỗi nguời phát huy tài năng, trí tuệ góp sức xây dựng đất nuớc, sánh vai cùng năm châu.
Cán bộ bây giờ sinh ra và lớn lên từ đâu?!Bản chất, truyền thống cao đẹp của dân tộc không còn nữa hay đức tính hy sinh cao quý ấy chỉ có khi chưa nắm chính quyền, còn bây giờ thì ” lợi quyền tất phải qua tay mình”!? Đảng có câu nói cửa miệng -” Ý Đảng -Lòng dân”. Như vậy, đồng nghĩa, Dân với Đảng là Một. Đảng trung thành với lợi ích của nhân dân và dân tộc(!), nhưng, đó là cách nói của ý chí, đúng ra là phải nói_ “Ý dân, lòng Đảng”! -“Lòng Đảng”, tâm nguyện của Đảng “ ngoài lợi ích phục vụ nhân dân không có lợi ích nào khác” và phải theo “Ý Dân”… Trong công tác cán bộ, nói rằng, cán bộ là của dân, thật ra, tất cả là cán bộ của Đảng. Đảng cho chức, cho quyền từ đó mà có tất cả “lợi, quyền”. Nên câu nói cửa miệng” Ơn Đảng, ơn Chính phủ” thành quen, đúng ra là phải thấu” Ơn Nước, Ơn Dân”. Đảng cũng là con của Dân, của Nước. Đảng cũng phải “Ơn Nước, Ơn Dân” chứ ! Cán bộ, dù là Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch, Giám đốc …hoặc cán bộ chức quyền trong các tổ chức nhân dân” chính trị -xã hội”… hỏi, có bao nhiều người thật sự “ vì dân” hay vì ai? Vì cái gì? Dân đâu cho cán bộ chức quyền nên dân đâu có quyền cách chức cán bộ(!). Cán bộ chỉ sợ người cho mình chức, cho mình quyền. Dân lại không có quyền ấy. Tất cả quyền ấy đều thuộc về Đảng-“ Đảng phân công”! Cán bộ chỉ biết rằng mình là cán bộ của Đảng, phục vụ Đảng, Đảng lãnh đạo… bởi lẽ đó, cán bộ muốn làm gì thì làm, dân không kiểm tra, giám sát được, những bọn “ sâu dân, mọt nước” dân ai cũng thấy những chẵng làm được gì chúng mà thậm chí, bọn chúng ngày càng lộng hành, bạo ngược lại với nhân dân nhiều hơn!.
Hiện nay, muốn có “chức quyền” thì phải phấn đấu vào Đảng, phải là “Đảng viên”. Đó là tiêu chuẩn cán bộ của Đảng. Và như vậy, không ít người” phấn đấu” vào Đảng trước hết chỉ là vì “LỢI”. Đức tính “hy sinh” thật hiếm hoi. Sự “ phấn đấu” không còn ý nghĩa cao đẹp nữa vì làm gì còn lý tưởng “cống hiến, hy sinh”! Có chức, có Quyền rồi thì phải kiếm Lợi. “ Quyền cao, Chức trọng” thì quyền, lợi, “bổng lộc” càng nhiều, có như vậy mới sinh ra tệ nạn mua quan, bán tước . Đã “mua” rồi thì phải ”kinh doanh ” để tạo ra nhiều” lợi nhuận”. Sự “kinh doanh” từ chức quyền của quan chức, nói trắng ra đó là chính sự “tham những”!…Tham nhũng hiện nay đang là quốc nạn. Nếu tham những không phải là bản chất của chế độ thì chế độ phải tự mình làm trong sạch chứ không phải chờ nhân dân phát hiện. Bọn tham những như PMU18, …nó sinh ra từ đâu? Pháp luật đã có nghiêm minh trong xét xử? Nhân dân đã không đồng tình..RồI, vụ 112 hiện nay và nhiều vụ khác nữa…
Những tệ nạn về cán bộ nguyên nhân từ đâu?. Bằng quyền dân chủ của xã hội, bằng sự toàn tâm, toàn ý của người lãnh đạo” vì nước, vì dân” thì sẽ có cơ chế phù hợp, đúng đắn để giáo dục, rèn luyện, tuyển chọn cán bộ, nhưng “đức tính hy sinh” của người cán bộ cần phải đề cao. Cán bộ không biết hy sinh, chỉ ”hám lợi”, luôn chỉ vì lợi ích riêng mình thì tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, tham ô, móc ngoặc, bè phái, bán tước, mua quan…bằng nhiều hình thức sẽ vẫn còn. Tài sản của nước, của dân từ quốc tổ Hùng Vương để lại đến nay ta chưa làm có thêm thì đừng để mất đi. Nước chưa giàu, Dân chưa mạnh! Cán bộ “ ăn” thì dân “ mất”, nếu “quan”ai cũng ăn…thì sẽ càng hơn cả ” thực dân”xưa kia thì dân càng mất, dân càng khổ, lúc đó, nước còn đâu?!
Hãy vì lợi ích của dân tộc, nhân dân, có liêm sĩ và biết hổ thẹn với các quốc gia trong khu vực và năm châu. “Làm quan”mỗi người phải biết “hy sinh”, mà trước hết, phải tự rèn đức tính “hy sinh”. Khi cán bộ có “trở lại” đức tính hy sinh như bản chất tốt đẹp của người cán bộ, lúc đó, ta tin rằng, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”..sẽ nhanh chóng được thực hiện!

Không có nhận xét nào: