Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2007

...Những "Thánh Gíong" thời hiện đại.

Yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm để giữ nước, bảo vệ đất nước như là một bản năng sinh tồn của giống nòi Việt luôn phải sống chung với kẻ thù” nằm sát vách“, “hữu nghị”, “môi hở, răng lạnh” cả mấy ngàn năm nay… Triều đại nào “vì dân” thì “thịnh quốc”, triều đại ấy tồn tại lâu dài. Triều đại nào chỉ biết lo cho quyền lợi ích kỷ của mình, khi mất lòng dân chạy cầu cứu kẻ thù xâm lược thì kẻ đó coi như là phản dân, phản nước đều bị nhân dân, lịch sử phỉ nhổ. Dù có lúc phải chịu khổ, chịu nhục nhưng với tinh thần bất khuất dân tộc VN mới tồn tại đến ngày nay….Tự hào dân tộc là tự hào về lòng yêu nước, tinh thần độc lập, bất khuất, không sợ bất cứ kẻ thù nào để giữ nước, bảo vệ đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, độc lập, tự do của tổ quốc ! Nhân dân, dân tộc VN đã khổ không biết bao nhiêu mà kể chỉ mong cuộc sống bình yên nhưng sao mà khó! Bình yên để sống cuộc sống làm người, có quyền làm người, làm chủ vận mệnh, cuộc sống của mình, của đất nước trong cuộc sống xã hội bình đẳng, yêu thương…
“ Kẻ sỹ” trong xã hội mới có hay không?” Thất phu” thời nào cũng có nhưng có còn “hữu trách”? Nhìn lại lịch sử cận đại của dân tộc dù có thời gian “kẻ sỹ” như là đối tượng bị loại trừ ra khỏi xã hội nhưng “kẻ sỹ” vẫn là “kẻ sỹ”, dù cũng không ít kẻ đã tự loại mình ra, không còn “sỹ”.(!). Xã hội không có “kẻ sỹ”, không có trí thức thì…xã hội ấy có văn minh, dân tộc có hưng thịnh, có vững mạnh, có phát triển!? Lòng yêu nước trong cộng đồng dân tộc Việt “giữ gìn, phát huy” từ xưa nhờ những kẻ sỹ ấy. Giáo dục lòng yêu nước, yêu quê huơng, đất nước, yêu nhà, yêu người, sống có đạo lý làm người…cũng nhờ có “trí, đức, dũng” của “kẻ sỹ” ấy. Yêu nước là yêu dân! Kẻ sỹ phục vụ cho một bộ máy cai trị, dù ở bất cứ triều đại nào cũng đều vì dân, vì nước. Lấy cái thước “nhân dân, nhân tâm, yêu nước, yêu người, vì Tồ quốc Hùng Vương bền vững…để làm thước đo. Phục vụ cho bộ máy cai trị để “hưng quốc, an dân” nhưng khi kẻ cai trị không vì dân, vì nước; bao che, bảo vệ cho kẻ tội đồ hại nước, hại dân…kẻ sỹ xưa chọn cho mình con đường về …”ở ẩn”, nhưng mà có “ẩn” đâu? “Kẻ sỹ” về với dân để lấy cái “trí”, cái “sỹ” để “dạy” dân giữ nước, giữ nhà , sống đạo làm người của nòi giống Việt… Tuổi trẻ VN bao đời nay nhờ ai mà tự biết mình cần làm gì và sống như thế nào nếu không có những ”kẻ sỹ” ấy! …Tuổi trẻ VN tiếp cận với phương tiện truyền thông thời đại-internet- để “chọn lọc” tinh hoa loài người, nối mình hòa nhập với thế giới, sống đúng đạo nghĩa làm người, góp phần xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước, gìn giữ đất nước chống kẻ thù xâm lược…Tuổi trẻ ấy có phải là những tinh hoa của dân tộc, người chủ của xã hội tương lại?...Trong một xã hội con người được” bảo vệ, chăm sóc” quá kỹ càng, dù lớn tuổi, già đầu, đã làm Cha, làm Mẹ, làm Ông, sắp về với tổ tông nòi giống…vậy mà vẫn như là đứa trẻ “còn bồng trên tay”. Một xã hội nhân dân như đứa trẻ nít chỉ biết đòi bú, đòi ăn, đòi chơi, đòi ẳm, …Một xã hội tất cả chỉ chờ vào kẻ ”bảo mãu”, “vú em”, xã hội đó làm sao mà lớn, đến bao giờ mới trưởng thành!? Ngày xưa, cậu bé Làng Gióng- Phù Đổng…vì sao chỉ biết im lặng, nhưng, “nước mất, nhà tan” nên đã tự mình đứng lên để làm người đi cứu nước. “Ngưa sắt, roi sắt”- sản phẩm văn minh, tiến bộ nhất của thời đại ấy Cậu bé Làng Gióng đã sử dụng để thể hiện bằng hành động tinh thần yêu nước của mình. Còn ngày nay, những “cậu bé con”đang ngồi trên ghế nhà trường ( mà thời nào chẵng vậy) cũng đã tự biết sử dụng vũ khí của thời đại để xóa tan đi “sự im lặng” khủng khiếp, kết nối mình với thế giới nhân loại, nói lên tiếng nói của con người, để thể hiện ta cũng vẫn là con người- con người Việt Nam trong thời dại mới! Xưa- một cậu bé Làng Gióng” nay không phải chỉ có một. Những cậu bé Làng Gióng thời đại mới rồi cũng sẽ “vươn vai” đứng dậy và bất cứ kẻ thù nào những”Thánh Gióng” của thời đại mới cũng sẽ đánh thắng …

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

Festival Hoa- cần có một triết lý về Hoa





1. Đà Lạt, từ sau ngày kỷ niệm 110 năm Đà lạt hình thành và phát triển, cứ 2 năm một lần lại tổ chức festival Hoa! Năm đầu tổ chức Lễ hội sắc hoa, dân thành phố còn có sự háo hức. Dù sao “là buổi ban đầu”, nội dung, chương trình, các hoạt động lễ hội tạo cho người dân thành phố sống lại ký ức, nhìn lại lịch sử hình thành Đà Lạt thành phố mỗi người có một cảm nhận yêu thương, yêu thêm thành phố của mình! Rồi, Festival hoa lại tiếp diễn, cũng tạo nên một không khí. Với Tỉnh, Thành phố là quảng bá thương hiệu, “tôn vinh”người trồng hoa nhưng với nhân dân là gì? Người Đà Lạt mong muốn có lẽ nhiều nhưng cuộc đời, cuộc sống xã hội có như ý muốn…
Thành phố Đà lạt được Yersin phát hiện. Thực dân Pháp xây dựng. Rồi Hoàng triều cương thổ. Rồi theo dòng lịch sử, cuộc sống mà Đà Lạt phát triển…Đa lạt muôn đời cũng là Đà Lạt của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Xây dựng thành phố dù dưới sự quản lý, cai trị của ai, người xây dựng, giữ gìn, phát triển cũng là Nhân dân thành phố. Cùng với nhiều yếu tố-địa lý, khí hậu, sản xuất, văn hóa, con người…. Người Đà lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” không phải tự nhiên mà hình thành . Tất cả phải từ con người, do con người xây dựng nên, dù qua bao cuộc bể dâu sống trong dòng sống của đất nước. Người Đà lạt vẫn luôn là chủ nhân của thành phố, xây dựng thành phố của mình mang bản sắc của chính mình, tạo nên phong cách của mình-con người thành phố Đà Lạt ! . Đà Lạt thành phố hoa, xứ sở của ngàn hoa là do được xây dựng bời những đóa hoa con người. Mỗi người dân Đà Lạt là một đóa hoa, đóa hoa đẹp nhất có như vậy mới xây dựng, giữ gìn cho thành phố Hoa. Người trồng Hoa, Hoa trồng NgườI!. Đã một thời gian dài có những suy nghĩ, quan niệm sai lệch, quan niệm ấy lại biến thành chủ trương trong quản lý, phát triển thành phố đã tạo cho thành phố không còn giữ được bản chất, phong cách như xưa. Biện minh rằng đó là do sự phát triển tất yếu của lịch sử xã hội, thời đại . Đúng mà không đúng! Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Người Đà Lạt trước đây có mang bản sắc dân tộc Việt Nam hay không? -Rất là Việt Nam! Nói rằng dân tộc bản địa của Đà Lạt là các dân tộc Lạch, M’Lạt, K’ho,.. những sắc tộc tây nguyên-Là đúng, Nhưng con người Đà Lạt, phong cách con người Đà lạt” hiền hòa, thanh lịch, mến khách” có phải từ bản sắc của các dân tộc Tây nguyên-Lạch, Ma. Lạt, K’ho tạo nên?! Ta không chủ trương hủy diệt bản sắc dân tộc của nhân dân bản địa anh em mà cần phải phát huy, giáo dục các thế hệ con em nhân dân dân tộc bản địa trân trọng giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình để góp phần vào vườn hoa văn hóa rực rỡ nhiều màu sắc của dân tộc Việt. Nhân dân các dân tộc của TP Đà Lạt cũng phải quý trọng ,giữ gìn, phát huy. Nhưng làm như thế nào? Làm gì để giữ gìn, phát huy? Chúng ta hãy nghiệm lại !

2.Con người ai cũng có một quan niệm sống. Quan niệm sống ấy thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của con người mà từ đó biểu lộ, thể hiện qua nhận thức, tâm hồn, lẽ sống của con người trong cuộc sống xã hội! Cây được mọc lên từ đất ! Con người sống không thể tách rời khỏi thời gian, không gian mặt đất, bầu trời và công đồng xã hội mình sống . Nhân dân luôn là chủ thể sống của xã hội. Chủ nghĩa Mác cũng đã nhìn nhận điều đó-“Quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử”! Con người sống vì mình và vì xã hội mình sống. Chế độ xã hội cai trị từ xưa nay, dù triết lý chính trị như thế nào vẫn luôn coi trọng nhân dân-Dân là gốc. Triết lý chính trị-xã hội -nhân sinh đối với người cai trị luôn từ « gốc « đó mà ra ! Mọi triết lý đều là của con người sống trong cộng đồng người trong dòng sống phát triển của lịch sử xã hội mà có ! Quyền công dân của con người trong xã hội cùng với những quyền dân chủ , tự do, bình đẳng, bác ái...-quyền con người và quyền sống làm người trong cuộc sống xã hội công dân, xã hội dân chủ pháp quyền! Những quyền đó có và hình thành không phải ngày một ngày hai mà đã có từ xa xưa cùng với sự ý thức đấu tranh, phát triển cùng với sự phát triển của con người, xã hội trong tất cả các mọi lĩnh vực của đời sống xã hội con người. Đó là cả một quá trình nhận thức của nhân loại. Ngày nay, thế giới xã hội con người là một. Con người đã nâng tầm nhận thức của mình lên tầm nhân loại, tòan cầu và có những bước nhảy lớn trong nhận thức, khám phá vũ trụ, chinh phục vũ trụ...Tất cả, vì con người !

3. Đà Lạt thành phố Hoa, dù sao, con người Đà lạt xưa đã có một triết lý sống( !?). Là Thành phố Hoa nên có triết lý sống về Hoa và thể hiện trong cuộc sống của mỗi con người thành phố. Hoa-đó là Người ! Hoa đó là Tâm hồn ! Hoa đó là những loài hoa mà con người Đà Lạt đã tự tay mình vun trồng, chăm sóc, giữ gìn. Hoa đó là khí hậu, môi trường sống của Đà lạt mà ở đất nước Việt Nam không nơi nào có. Hoa đó là tất cả những gì con người Đà Lạt trong quá trình xây dựng đã tạo nên. Hoa đó là sự dung hợp, chào đón, tôn trọng, yêu thương con người bằng tâm hồn, tình cảm con người biết yêu quý con người, muôn vật, cỏ cây thế giới sống quanh mình. Hoa đó là bằng cuộc sống tâm hồn, tâm linh có chọn lọc những gì phù hợp với cuộc sống con người Dà Lạt trong cuộc sống dân tộc Việt Nam. Hoa đó là bàn tay, trí tuệ, tâm hồn người Đà lạt tạo nên những tranh Bút lửa, sản phẩm mỹ thuật cưa lọng ; đan, thêu, may ; Là những Biệt thự với những kiến trúc độc đáo, hài hòa trong cảnh quan, môi trường đô thị thành phố ; Là những màu xanh của những vườn rau, hoa, cây trái ; là những cảnh quan, danh thắng ; Là những góc phố, con đường ; là những cửa hàng, phố chợ ; là những Đình, Chùa, Nhà thờ…Là tất cả những gì- sản phẩm vật chất, tinh thần con người Đà Lạt tạo ra phục cho cho cuộc sống con người, giữ gìn phát triển cuộc sống tâm hồn, tâm linh, cảnh quan môi trường văn hóa con người Đà Lạt ! Đà Lạt là ngôi nhà lớn của con ngời Đà Lạt . Đà Lạt thành phố ngàn hoa, hoa đó không chỉ là Hoa Hồng, hoa Mai, Mimosa, Lan, Cúc.. ; cũng không chỉ Là rừng với ngàn thông mọc thẳng ngát xanh… Hoa đó ắt không phải trồng trong phòng thí nghiệm, không phải nhân giống lai tạo, cấy ghép ... Hoa đó là Con người- Người Đà Lạt -chủ thể sống của thành phố, người chủ của Đà Lạt. Không có nhân dân là người chủ thành phố với đủ đầy những quyền làm chủ của mình thì làm sao Đà Lạt có bộ mặt của con người Đà Lạt, nhưng hiện nay Con người Đà Lạt nên nhìn lại bộ mặt của chính mình !.
4. Đà Lạt Thành phố Hoa không phải là thành phố của những ngày Lễ hội, Festival Hoa.Thành phố Hoa là thành phố của mỗi con người Đà Lạt với cuộc sống hàng ngày. Con người Đà Lạt « hiển hòa, thanh lịch, mến khách » là phẩm chất, phong cách sống của mỗi người dân Đà Lạt-Chủ nhân thành phố ! Nhân dân Đà Lạt tiếp đón du khách « mến khách » phải trên tư thế là những người chủ. Mỗi người chủ thành phố tự hún đúc cho mình là một con ngườì đẹp- Đẹp như Hoa để xây dựng, giữ gìn thành phố. Mỗi con người Đà Lạt sẽ tự ươm hoa, trồng hoa cho chính mình, cho mỗi ngôi nhà minh sống và sống đẹp trong ngôi nhà thành phố. Công nghệ chỉ là công cụ kỹ thuật, tri thức, trí tuệ con người để làm chủ thế giới mình sống đừng biến công cụ ấy để tạo nên nhưng sản phẩm về Hoa, về con người vô cảm, lạc mình trong thành phố của chính mình. Mỗi người là một bông hoa. Mỗi nhà là một vườn Hoa…có như vậy, thành phố mới là thành phố Hoa. Hoa đẹp ở sắc, Hoa ngát ở hương nhưng hoa còn thắm ở mỗi tâm hồn con người Đà Lạt !.
Festival Hoa phải là ngày tôn vinh Nhân dân thành phố, mỗi người dân thành phố hoa, mỗi con nguời Đà Lạt yêu quý, giữ gìn thành phố Hoa để góp phần tạo nên những bông hoa đẹp, vườn hoa đẹp chứ không phải riêng chỉ là người trồng hoa, nhưng bông hoa trong chậu kiểng. Mổi người Đà Lạt là mỗi bông hoa đẹp. Đẹp tâm Hồn và đẹp trong mỗi đóa hoa ! Người lãnh đạo thành phố cần có một tầm nhận thức, một triết lý về Hoa và phải đậm chất là con người Đà Lạt! Festival hoa phải thể hiện xuyên suốt triết lý về Hoa – Tâm Hoa, Nhân Hoa, Quyền Hoa ! Trân trọng, phát huy vai trò, phẩm chất tốt đẹp của mỗi người dân Đà Lạt, vì lợi ích của nhân dân, những con người chủ nhân thành phố, xây dựng thành phố hình thành, phát triển. Làm cho nhân dân Đà Lạt tự hào, yêu quý, giữ gìn thành phố của mình, những người chủ « hiền hòa, thanh lịch, mến khách » đón chào mọi con người, mọi dân tộc ở mọi miền đất nước và thế giới đến với thành phố Hoa !

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2007

Phải chăng đã có sự lãnh cảm của tuổi trẻ và nhân dân?



Những ngày qua, sự kiện Trường Sa, Hoàng sa trở thành một Huyện lỵ của Trung Quốc cùng với vấn đề tuổi trẻ cứ nằm trong suy nghĩ của tôi. Nhân dân, cán bộ công chức, viên chức lao động dường như thờ ơ với vấn đề lớn của đất nước- Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm chiếm. Đà Lạt đang chuẩn bị Festival Hoa, Người Đà Lạt cũng chẵng quan tâm. Việc ai nấy làm!. Mỗi người dường như chỉ lo cuộc sống của mình, lo cái ăn, cái mặc, cuộc sống học hành con cái. Chuyện đất nước hầu như là việc của “Đảng, Nhà nước”!
Sáng nay(11/12) trước khi đến cơ quan làm việc, ngồi uống café buổi sáng, vẫn nếp phong lưu của ngươì “CBCC nhà nước”, tình cờ tôi gặp một Bí thư Đòan TN (cấp Huyện, Thành phố) quen biết, đến sau và ngôì cùng bàn. Tôi hỏi chuyện- Chủ nhật vừa rồi tuổi trẻ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh biểu tình phản đối Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam em có biết không? Trong thanh niên có suy nghĩ, phản ứng gì không? Cũng thật tình, người Bí thư trả lời- Em không biết, mà trong thanh niên cũng chẵng thấy ai nói gì?.Em chờ chủ trương của cấp trên nhưng chẵng thấy ai có ý kiến gì cả!.. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện. Người Bí thư nói- Thật ra, thông tin về Trường Sa, Hoàng Sa em cũng không rõ, có phải là của mình hay không cũng không biết chắc chắn!? Lâu nay cứ nghe nói là của Việt Nam(!), mà VN mình tranh chấp với TQ cũng lâu rồi! Bản thân em cũng không có thông tin gì về Trường Sa, Hoàng Sa gì hết! Đó là nhận thức, ý kiến cũng “thật lòng” của một Bí thư Đòan, một tổ chức làm công tác thanh niên, tổ chức “đội hậu bị của Đảng CSVN”..Trong các tầng lớp khác, trong CBCC và cả trong những ĐVCS nhiều người nghe vụ việc cũng thờ ơ với ý nghĩ- Thằng Tàu nó mạnh hơn ta, ta đánh làm sao lại nó(!). Các ông lãnh đạo chỉ lo tham nhũng thì có ai mà quan tâm đến đất nước! -Trường sa, Hoàng Sa “mất” thì cũng phải thôi!!. Tôi cũng đã hỏi một số người và bạn bè thân quen. Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc VN, TQ vẫn luôn luôn mạnh hơn ta nhưng cha ông ta vẫn đánh thắng nó, giữ gìn bờ cõi đất nước, bài học của ông cha ta là gì ? Bài học lịch sử VN hầu như thế hệ trẻ chỉ biết về cuộc đấu tranh CM từ khi có Đảng CSVN lãnh đạo, dù cũng rất thơ ơ, còn ngoài ra, hầu như mơ hồ về truyền thống lịch sử của Cha Ông ta, trừ những người lớn tuổi…
Thực tế hiện nay, tôi nghĩ, những suy nghĩ ấy không phải là cá biệt.Và đất nước ta sẽ như thế nào khi bị kẻ thù xâm lược trên quy mô lớn hơn, không phải ở Hải đảo mà ở đất liền, chiếm một bộ phận nào đó của đất nước VN mà các tầng lớp nhân dân trong xã hội đều thờ ơ! Nước sẽ mất! Đảng sẽ kêu gọi nhân dân “toàn quốc kháng chiến”? Dân có còn nghe theo ? còn tin ? còn đứng lên “đáp lời sông núi” ?
Qua phản ứng của một bộ phận tuổi trẻ ở hai thành phố lớn của đất nước- HN, TP HCM và một số người luôn sống với tình hình cuộc sống chính trị đất nước cảm thấy “nhục mất nước”, còn những những người gánh trọng trách của đất nước, xã hội họ làm gì?- Chắc chắn những người đang cầm bút có tiếng nói họ không phải là những người giàu có, những “tỷ phú, tư sản đỏ”. Họ nghèo nhưng họ có liêm sỹ, họ ý thức được vai trò trách nhiệm của một “sỹ phu” đối với đất nước. ” Xã tắc hưng vong, thất phu hữu trách”! ”Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Đó là đạo làm người của “kẻ sỹ” và cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi con dân Việt trong xã hội. Vậy mà…..
Phản ứng, tiếng nói của tuổi trẻ không phải là vô vọng!. Dù mới “thức dậy” trong bao năm ngủ mê dù với tuổi đời tuổi trẻ không phải là người “mê ngủ” !Chúng ta vẫn tin tưởng và tự hào về tuổi trẻ VN và cũng có nhiều băn khoăn về sự lãnh cảm của không ít bộ phận nhân dân và tuổi trẻ về sự kiện Trường Sa, Hòang Sa hiện nay…
Người Bí thư đoàn tâm sự tôi nghe cũng có lý! Lâu nay mọi thông tin về Trường Sa, Hoàng Sa Đảng, Nhà nước có nói gì đâu, Đoàn thanh niên đâu có bao giờ biết để tuyền truyền, giáo dục cho thanh niên rằng đó là mảnh đất của tổ quốc VN ( dù tuyên truyền cũng chưa chắc tạo nên sự ý thức- lâu nay trong tuổi trẻ, của nhân dân dường như đã có một sự chai lỳ trong nhân thức tư tưởng!). Mọi việc đều chờ sự chỉ dạo của cấp trên. Cấp trên không chỉ đạo cấp dưới đâu dám làm, đã không làm thì cũng không cần phải suy nghĩ ! Luôn trông chờ cấp trên (!) vậy cuộc sống hàng ngày của nhân dân ai quan tâm đến? Còn việc nước lại là “việc lớn”, “nhạy cảm” không ai dám có những ý kiến và suy nghĩ khác(!). Cơ chế lãnh đạo, quản lý đất nước hiện nay đang làm gì, vì mục đích gì?. Những tổ chức gọi là của nhân dân có phải là của nhân dân, nếu là của nhân dân thì mọi vấn đề phải xuất phát từ nhân dân tại sao chỉ luôn ngồi đó trông chờ? Cả một hệ thống tổ chức chính trị-xã hội nhân dân bị tê liệt, đã bị Nhà nước hóa. Thực chất những tổ chức ấy cũng là tổ chức, cơ quan nhà nước!
Nhiều vấn đề từ sự kiện “mất “(!) Trường Sa, Hoàng Sa nhân dân và những người có trách nhiệm chắc có suy nghĩ và phải làm gì để giành lại Trường Sa, Hoàng Sa!.Mọi vấn đề của xã hội đều là vấn đề đất nước; mọi vấn đề của đất nước đều liên quan đến vận mệnh của nhân dân, dân tộc vì sao lại có “cơ chế” độc quyền!? TQ từ xưa đến nay ở sát nách VN ta vẫn luôn là “nước lớn, “nước mạnh” sao cha ông ta không sợ, dám đánh để giữ từng tất đất, ngọn cỏ của Tổ Quốc Việt Nam! Đặc điểm chính trị xã hội mỗi thời đại mỗi khác nhưng bài học của cha ông ta- “ …Lấy nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh!….” là gì? Có phải Đảng, Nhà nước hiện nay đang thể hiện(?) hay đã có vấn đề gì đằng sau?! Hiện nay lực lượng quân đội của ta đang làm gì? Được xây dựng như thế nào? trang bị ra sao?... Dù là “bí mất quốc gia” nhưng nhân dân cũng phải biết những gì cần biết và những vấn đề lớn của đất nước phải biến thành tình cảm,nhận thức, ý thức trong tuổi trẻ, nhân dân. Đó là quyền được thông tin, quyền dân chủ của nhân dân. Với quốc nạn tham nhũng, tệ quan liêu cửa quyền, xa dân, không tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân và sự thờ ơ hiện nay trong nhân dân, trong tuổi trẻ và những chủ trương, động thái của Đảng, Nhà nước thời gian qua mà sự kiện Hòang Sa, Trường Sa chỉ là một, nhân dân có quyền nghi ngờ, nghi ngờ mọi việc và nhân dân cũng rất lo âu, nếu sự lãnh cảm hiện nay trong không ít bộ phận nhân dân thì khi đất nước “nguy biến” thì sẽ sao đây?!
Người Bí thư đoàn, xét trên góc độ nào đó không có lỗi. Tuổi trẻ hiện nay không có lỗi!. Lỗi và trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc, nhân dân, về đất đai bờ cõi ông cha ta để lại là của ai đây?!

TỰ HÀO TUỔI TRẺ VN



1.Chủ nhật, ngày 9.12, trước Đại sứ quán Trung quốc tại Hà Nội và tòa lãnh sự TQ tại TP Hồ Chí Minh tuổI trẻ VN xuống đường biểu tình tỏ thái độ phản đối Quốc Vụ Viện Trung Quốc vừa phê chuẩn việc Trung Quốc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa ngàn đời là của nhân dân VN, Tổ quốc VN. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Dũng tái khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"; "Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên."(!?)_
TuổI trẻ VN không chấp nhận lời tuyên bố mềm yếu và không minh bạch của Nhà nước VN. TuởI trẻ đã tỏ thái độ bằng nhiều tin nhắn trên YM! chuyển cho nhau, liên kết lại thành một lực lượng với nội dung: "Hãy phản đối việc Quốc vụ viện TQ vừa phê chuẩn thành lập TP hành chính Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, trực tiếp quản lý ba quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa”.!

2.Thông tin của tuổi trẻ trên mạng thật sôi động nhưng ngoài cuộc sống thật là im ắng. PhảI chăng hành động yêu nước đã bị độc quyền, cũng phải chờ đợi sự cho phép và tổ chức của nhà cầm quyền?! Đã từ lâu dân ta chỉ được thông tin từ một phía, muốn biết sự thật của đất nước chỉ có thể tìm chọn lọc trên mạng internet tòan cầu. Dân VN ta biết thêm được nhiều điều, nhiều thông tin không phải chính thống từ nhà nước. Nhiều việc nhân dân không biết , không được thông tin. Nhân dân cần biết sự thật. Nhân dân cần được sự tôn trọng của đảng, nhà nước.. Hôm nay nhờ thông tin trên mạng, tuổi trẻ VN đã có thêm tiếng nói chính đáng, tiếng nói đã có sức mạnh tập hợp . Người VN nào cũng yêu nước. Tuổi trẻ VN ai cũng yêu nước.Tuổi trẻ VN không chấp nhận sự hiện diện của quân xâm lược, không chấp nhận bờ cõi bị xâm lăng. Mỗi tất đất là xương máu của dân tộc VN. Yêu nước là tiếng nói của mỗi người dân Việt; yêu nước là tiếng nói thống nhất. Yêu nước là lời hiệu triệu tòan dân. Yêu nuớc là sức mạnh của nhân dân và cả dân tộc. Qua sự giáo dục xem nhẹ lịch sử và truyền thống dân tộc VN; qua những rào cản thông tin và những quyền tự do dân chủ của nhân dân bị hạn chế, vi phạm ; qua sự bao cấp cả về thông tin, tư tuởng, tổ chức, hành động của Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, đòan thanh niên cộng sản …và qua thực tế cuộc sống hiện nay của tuổi trẻ, tuổi trẻ chúng tôi, những người lớn lên trong chiến tranh đã có nhiều băn khoăn, hoài nghi nhưng qua những tiếng nói trên mạng internet hàng ngày chúng tôi càng tin tưởng thêm vào tuổi trẻ dù vẫn còn nhiều suy nghĩ, nhiều tiếng nói, chính kiến khác nhau về tình hình chính trị đất nước, đó cũng do vì họ là tuổi trẻ và cũng là sự bình thường của mỗi nguời trong cuộc sống xã hội đối với đất nước! Nếu có, lỗi là lỗi của người đi trước; lỗI của những tổ chức và con người nắm quyền cai trị, là lỗi của nhân dân đã không dũng cảm đòi lấy quyền làm chủ vận nước của mình !
Qua sự tỏ thái độ của tuổi trẻ VN ở 2 thành phố lớn của Tổ quốc- Hà Nội và TP HCM, dù số lượng tham gia chưa lớn, dù lực luợng chưa mạnh, dù rằng còn “ tự phát”, “chưa được phép của nhà nước” (!) nhưng tuổi trẻ đã có tiếng nói, tiếng nói mạnh mẽ, tiếng nói thật lòng. Qua tường thưật và hình ảnh không phải từ kênh truyền thông của nhà nước nhưng chúng tôi nghe lòng mình rạo rực như tuổI trẻ xưa, thêm tin tưởng, tự hào về tuổi trẻ VN. Tuổi trẻ VN vẫn luôn là người yêu nước; tuổi trẻ VN vẫn luôn có hào khí của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần quốc Toản, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung. -Trường sa, Hòang Sa đã bị sáp nhập vào đơn vị hành chánh của Trung Quốc- Hòang Sa, Trường Sa có còn là đất, biển trời của Tổ quốc VN? Có phải Hòang Sa, Trường Sa của VN đã mất? Có phải VN ta đã bị mất nước cuc bộ?. Nhà nước VN làm gì? – Cũng lại vẫn bài ca muôn thuở, chờ mong vào “tình đồng chí anh em” của bọn cướp nước. Vì sao Đảng, Nhà nước không thông tin bản chất sự việc cho toàn thể nhân dân biết? Đảng, Nhà nước còn trông chờ ở đâu? Tuổi trẻ, nhân dân có quyền nghi ngờ, có quyền chất vấn, có quyền đòi hỏi một sự trả lời, một sự khẳng định, một phương sách để đòi lại, giữ lấy Hòang Sa, Trường Sa! Nước là Nước của Dân!. Dân là Nước. Dận là chủ. Đất là Nước! Nhân dân ngàn đời vẫn luôn là người giữ nước và xây dựng đất nước. Không ai có quyền vì lợi ích riêng của mình để đất nước của tổ tiên cho bọn ngoại bang xâm chiếm…
3.Hôm nay tuổi trẻ VN lại là lực lượng đi đầu!.” Ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất”! Dù tuổi trẻ luôn bị lợi dụng nhưng tuổi trẻ sẽ tự mình vượt lên và sẽ là chủ nhân đầy tài năng của tương lai đất nước!. Tuổi trẻ VN thời đại mới hôm nay đã tự mình khơi lại bầu nhiệt huyết, nồng nàn tinh thần yêu nước. Chúng ta biết rằng đối với tổ quốc VN ta Giữ nước bộI phần khó hơn xây dựng đất nước khi kẻ thù luôn rình rập, nằm bên trong chúng ta, bên cạnh chúng ta, vẫn luôn mồm loa, mép giải “anh em, đồng chí”. Chúng ta không thể ngồi chờ mà phảI bằng hành động. Nhân dân và tuổI trẻ VN không chấp nhận bất cứ ai đặt quyền, lợi ích riêng lên trên lợi ích đất nước, nhân dân. Tuổi trẻ VN thời đại mới hôm nay đã lớn, luôn ý thức trách nhiệm của mình với vận mệnh dân tộc. Tuổi trẻ VN không cần người bảo mẫu, tuổi trẻ cần sát cánh cùng với nhân dân tự quyết định vận mệnh dân tộc mình. Ai là người VN yêu nước cần sát cánh với tuổi trẻ bằng cách của mình. Không ai có quyền nhân danh độc quyền yêu nước, có những hành động phi dân tộc, dân chủ, dân quyền. Tổ QUốC TRÊN HếT! Chúng ta hãy vì lợi ích của đất nước VN , dân tộc VN nhìn thẳng vào sự thật- Sự thật hôm nay là phải có thái độ rõ ràng về Trường Sa, Hòang Sa, mảnh đất quê hương, lãnh thổ, lãnh hảI của tổ quốc VN ngàn đỜi. Nhân dân và tuổI trẻ VN yêu cầu nhà cầm quyền phải công khai mọi vấn đề của đất nước cho dân biết; phải tôn trọng mọi quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng nhân dân là người chủ đất nước và có “Hội nghị Diên Hồng” để giữ nước. Và chúng ta luôn ghi nhớ-Trường Sa, Hòang Sa ngàn đời vẫn là đất của tổ quốc VN, dù 100, 1000 năm nhân dân VN không thể nào quên, không bao giờ quên! Tuổi trẻ VN luôn ý thức và vững vàng đội ngũ! Chúng tôi, những người đã qua thời tuổi trẻ, là những dân đen nhưng là con dân của Tổ quốc VN luôn sắn sàng, tin tưởng và tự hào về tuổi trẻ VN!

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2007

Nghĩ về một thời tuổi trẻ (II)


(5) …Và nhìn lại…

Con người được sinh ra ai cũng có một gia đình, một tổ quốc, một quê hương“.Không ai chọn thời mà sống”!… Tuổi trẻ miền Bắc những tháng ngày đất nước còn chia cắt, sau năm 1975, nếu có suy nghĩ, nhận thức lại môt thời tuổi trẻ, đất nước và chế độ chắc sẽ có nhiều suy tư khi tiếp cận với quê hương đất nước miền Nam 20 năm sống trong thời kỳ”Mỹ Ngụy”. Những người trí thức của Miền bắc XHCN sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn bằng chính cuộc sống của mình. Và rồi lịch sử cũng sẽ có đánh giá đấy đủ hơn. Tất cả đều rất cần cho con người hôm nay và ngày mai để góp phần xây dựng Tổ Quốc VN như mỗi người tuổi trẻ VN hằng mơ ước…
Chúng tôi, thế hệ tuổi trẻ Miền Nam sống trong “gông cùm Mỹ Ngụy, Đế quốc”…đã làm gì và bây giờ sau 32 năm đất nước” vĩnh viễn độc lập tự do”!?…Hôm nay có người đã nghĩ hưu về với cuộc sống đời thường; có người đang đương chức, giữ nhiều cương vị trong bộ máy lãnh đạo; có người không còn nữa, đã nằm mãi trong lòng đất quê hương; có người đã sống với quê hương bao niềm hân hoan khi đất nước được hòa bình, độc lập nhưng rồi …đã rời bỏ đất nước; có người đã phải rời xa đất nước vì đất nước không chấp nhận họ như là một con người - người công dân trong xã hội; có người không làm việc trong bộ máy nhà nước, âm thầm làm một người dân bình thường ; có người đã hăng say công tác nhưng rồi..không chấp nhận vì con đường dân tộc đang đi không như lý tưởng, hoài bão của một thời tuổi trẻ đã dấn thân; có người cũng cố gắng sống, sống âm thầm làm một con người chân chính, trong sạch, có liêm sỹ, biết hổ thẹn, trọng chân lý; có người say mê với quyền lực, danh vọng, địa vị, lợi ích cá nhân vun vén cho riêng mình, cấu kết với bọn ma quỹ…
Những người tuổi trẻ ngày xưa chỉ một lý tưởng, ước mơ, một lòng yêu nước, không sợ tù đày, sống chết có nhau, luôn vì lý tưởng, vì cách mạng với bao niềm tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc… Bầu nhiệt huyết, ngọn lửa trong tim của người tuổi trẻ, SVHS dám đấu tranh, đối mặt với cường quyền ngay trong lòng đô thị…Những ngày tháng ấy …sao mà đẹp!

Việt Nam trước ngày 30/4 ấy… ba màu cờ trên 2 miền đất nước. Trên chiến trường những người tuổi trẻ VN cầm súng bắn nhau. Bên kia “bức màn sắt”, bên này “dân chủ, tự do”. Bên này quốc gia bên kia cộng sản. Bên này thấy hiện diện quân thù xâm lược-Mỹ, Úc , Tân tây lan, Đại hàn, Thái lan… .Bên kia súng Nga, súng Tàu, Tiệp Khắc. Bên này có hàng loạt người di cư từ Bắc vào Nam... Hào quang chiến thắng Điện biên phủ vẫn nức lòng tuổi trẻ.Văn hóa Mỹ, Pháp, Tây âu vẫn hấp dẫn cuộc sống con người…Tuổi trẻ có ý thức, có một sự lựa chọn theo cách của tuổi trẻ. Họ chẵng biết cách mạng là gì? Không biết xã hội”mùa xuân của loài người” là như thế nào. Họ không chấp nhận xã hội miền Nam hiện diện bóng quân xâm lược. Họ yêu truyền thống lịch sử dân tộc và những anh hùng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…Lý tưởng cách mạng thật là lãng mạn. Mỗi người tuổi trẻ SVHS đầy ắp ước mơ, không hề nghĩ đến quyền lợi riêng tư. Chấp nhận hy sinh ! Luôn yêu mặt trời chân lý !..

(6) -Tuổi trẻ có bị lừa dối?…
….Tuổi trẻ SVHS yêu nước….là ai?
Sống, lớn lên, cùng học chung dưới một mái trường. Giọng nói hợp lại của nhiều vùng miền đất nước từ Bắc đến Nam. Là con, em của mọi tầng lớp trong xã hội.Tuổi trẻ đến với phong trào SVHS tranh đấu, đến với cách mạng cũng rất tự nhiên... Họ là ai?…- Trước hết, họ là những người tuổi trẻ SVHSVN yêu nước. Tình cảm yêu nước của tuổi trẻ luôn sáng trong, không hề bị vẫn đục. Họ là con của những người lao động bình thường trong xã hội; con của những gia đình “có truyền thống cách mạng”; con của những cán bộ công chức trong bộ máy “ngụy quyền”; con của những tướng tá “làm tay sai cho địch”; con của những thương gia, tư sản; con của ngụy quân, ngụy quyền…. Họ “giác ngộ” cách mạng, là những đoàn viên, đảng viên nhân dân cách mạng Việt Nam. Họ đã ra chiến khu để tham gia “kháng chiến”. Họ đã sống, chiến đấu trong”lòng địch”. Họ ém mình trong vai trò là những cán bộ công chức trong bộ máy ngụy quyền…Họ là những SVHS đang ngồi trên ghế nhà trường, trong trường đại học hoặc trong những trường trung học…-”Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”!…Ai là người VN không yêu nước? Cách mạng có chấp nhận họ hay không? Chấp nhận tất cả và đã vận động tất cả các đối tượng, thành phần…tuổi trẻ đến với cách mạng.! Tuổi trẻ nhìn xã hội qua bằng con mắt, bằng con tim ; bằng sự truyền lại của người đi trước với niềm tin ở chính con người, con người có lương tri, có đạo đức, yêu nước, yêu người, yêu tổ quốc VN…






…Ước mơ ngày hòa bình đến….
Tuổi trẻ vẫn luôn là tuổi trẻ. Với lứa tuổi 15, 18, 20…làm sao nhìn cho thấy hết bản chất của con người và xã hội sau những nhãn hiệu, những bức bình phong, nhưng đáng quý vô cùng là họ luôn trọng chân lý, yêu cái thiện, cái mỹ, ghét cái xấu, cái ác, sự bất công. Yêu tự do, yêu người, yêu đời. … Ngày 30/4/1975, Miền Nam “giải phóng”, đất nước thống nhất, hòa bình, độc lập tự do. Bản thân mỗi người trong phong trào SVHS tranh đấu háo hức, vô tư hăng say lao vào cuộc sống mới để thực hiện lý tưởng, ước mơ …Có những ý nghĩ ngu ngơ, hồn nhiên mong khi Hòa Bình đến và có những ước mơ thể hiện qua những lời thơ, ca khúc tuổi trẻ đấu tranh. Hãy đọc lại những lời thơ, bài ca tuổi trẻ đã mơ ước gì khi đất nước hòa bình độc lập, tự do !? _ “Ta sẽ đi từ Bắc đến Nam, nhìn quê hương gấm vóc trường tồn, nhìn nước nhà sống ngập tình thương” ( Khi Hòa bình về trên quê hương-Nguyễn Việt Quang); “Trên chuyến xe đầu có bạn bè cùng ca hát, về kịp Thăng Long một tối liên hoan”( -Từ Sông Hương nhớ về sông hát-Tôn Thất Lập); “Bóng quân dân về làng thôn trong ngày nắng mới. Em bé thơ tươi cười và miệng hát ca dao…”(Quê hương ta ngày chiến thắng- Nguyễn La Nghi)…” Người người tìm nhau trong bác ái tin yêu đờI Chung tay xây nước Việt đẹp tươi”( Không ai ngăn nổi lời ca- La Hữu Vang);” Tiếng hát tương lai đêm hồng nhà máy/Những ống khói cao nuôi đời sống dậy/.Tiếng hát quây quần con tim lộng lẫy./Lúa chín đầy đồng phố chợ thong dong”( Đêm hồng- Tôn thất Lập); “Ôi tay súng tay cày dựng xây quê hương. Khi đất nước thanh bình dựng xây quê hương” (Tin tưởng ca- Nguyễn Tuấn Kiệt)…Thực tế cuộc sống xã hội mà mỗi người SVHS yêu nước dấn thân tham gia tranh đấu để giành lấy không như lý tưởng, ước mơ. Nhưng tuổi trẻ cũng vẫn ngu ngốc, cứ vẫn tin và tìm mọi lý lẽ để biện minh…Nhưng rồi, dần dần hiện thực cuộc sống xã hội và hình ảnh những con người một thời như là lãnh tụ, thần tượng của tuổi trẻ đã bộc lộ…Là bản chất hay không bản chất?!. Không có gì ngụy biện được với thời gian . Có kẻ sớm và người chậm đều lựa chọn lại cho mình một cuộc sống có ý thức trong dòng sống của lịch sử, xã hội, đất nước Kẻ cơ hội, cùng bản chất thì nhanh chóng “leo thang” cấu kết cùng bao kẻ cơ hội mới khác…..

và hiện thực…

Tuổi trẻ đã qua đi, giờ đây không còn tuổi trẻ. Trường học cuộc đời đen xạm càng cho con người có nhận thức sâu sắc hơn, bởi vì, trước đây họ là những con người có ý thức!
Qua những quan hệ đối xử với con người trong chế độ xã hội hơn 30 năm qua cùng với những tiến bộ văn minh của thời đại càng cho mỗi con người càng nhìn thấy sâu sắc hơn xã hội và tuổi trẻ. Những người đã đi ra trong chiến tranh càng nhìn thấy sâu sắc bản chất của cuộc chiến tranh hơn khi nhìn lại chính mình…” Tuổi xanh ôi khờ khạo. Mãi đi trong mộng ảo…” -Có chăng một sự lợi dụng! Một sự lợi dụng ghê gớm lòng yêu nước của mỗi con người VN, tuổi trẻ VN; lợi dụng ghê gớm cả truyền thống hơn 4 nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc; lợi dụng ghê gớm bản chất chân, thiện, nhân bản, nhân đạo của con người VN ?! … Không có người VN nào là không yêu nước nhưng vì sao cả dòng người chấp nhận sự nguy nan, chẳng thà bỏ sự sống của bản thân mình ngoài biển cả không phải trên mảnh đất quê hương yêu dấu để đi tìm một cuộc sống mong manh! …
-Cái gì đem lại sau cuộc chiến? Nhìn lại thấy gì?- Đất nước VN là của mỗi người VN vì sao lại có sự phân biệt? một xã hội dân chủ” triệu lần hơn” sao công dân không có quyền bình đẳng, có người được quyền bảo vệ, xây dựng đất nước có kẻ không? Vì sao có kẻ được ưu ái học hành, có người dù giỏi vẫn không được vào đại học? Vì sao kẻ dốt nát, bất tài lại nắm quyền bính người tài đức lại không được sử dụng? Vì sao những người bằng lao động chân chính góp phần mình xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước lại bị chà đạp, xóa bỏ không thương tiếc?Vì sao kẻ cắp, tham ô tham nhũng luôn được bao che người ngay thẳng, đấu tranh, vì sự tiến bõ của đất nước luôn bị vùi dập, loại trừ? Vì sao dân tộc độc lập nhưng nhân dân không có quyền độc lập, tự do; quyền của con người không được tôn trọng, phải suy nghĩ theo một công thức định sẳn, không có tự do, độc lập nói lên chính kiến của mình? Vì sao dân không có quyền để bãi miễn, cách chức những kẻ bất tài, vô trách nhiệm, “sâu dân, mọt nước”, những kẻ làm càn, làm quấy hại nước, hại dân? Vì sao những kẻ dân không bầu, dân không tín lại có quyền định đoạt tất cả mọi vấn đề cuộc sống của dân tộc, nhân dân ?Vì sao nhân dân, tuổi trẻ phải chấp nhận, không thể nói lên một cách công khai chính kiến, nguyện vọng của mình? Vì sao? Vì sao…Có những câu hỏi đã được trả lời nửa vời và còn biết bao nhiêu câu hỏi không ai trả lời ngoài một câu cửa miệng “phải tin vào sự lãnh đạo….”! Tuổi trẻ có bị lừa dối hay đã bị phản bội?!

(7) …Tuổi trẻ luôn là mùa xuân của đất nước phải đi trên con đường lớn….

Dân không cướp nước của dân! Nhân dân không bao giờ bán nước! Nhân dân ngàn đời luôn luôn là người giữ nước và xây dựng dất nước. Nhân dân biết rõ ràng” nước mất thì nhà tan”. Ngày xưa, dù sống trong xã hội phong kiến, Vua là Thiên tử! - “ Được làm vua, thua làm giặc”!. Nay thời đại mới, “tất cả đều vì nhân dân(!)”. Kẻ làm “vua” không thể là “giặc”. Kẻ ”làm vua” không thể là kẻ cướp! “Dân” phải ”vi quý ”, “Quân vi khinh” chứ không thể “Dân vi khinh”…Người lãnh đạo, kẻ cai trị họ vì cái gì? Chẳng lẽ trong nội bộ dân tộc vẫn lấy sự phân biệt,hận thù xưa để xây dựng đất nước còn bên ngoài bắt tay với “kẻ thù” xưa? Đại lộ vinh quang của dân tộc không phải con đường băng rừng, xuyên núi, lần mò tìm kiếm đường đi như trong những năm tháng tối đen mịt mù, nô lệ. Thời đại mới! Tuổi trẻ luôn là con người của thời đại trong cuộc sống dân tộc, nhân dân.Vẫn luôn là con người có ý thức dân tộc, yêu nước, lương thiện, yêu cái cao cả, trọng chân lý, sống tình nghĩa..Con đường lớn luôn là con đường nhân loại yêu thương vì con người với tất cả quyền con người được tôn trọng, đảm bảo trong cuộc sống xã hội dân chủ, độc lập, tự do ! Là con đường luôn vì sự vinh quang của dân tộc, hạnh phúc nhân dân, hòa bình nhân loại. Người đi trước luôn là kẻ mở đường và luôn chịu sự hy sinh. Nhân dân, dân tộc Việt Nam là người hy sinh lớn nhất không ai có thể so sánh. Vinh quang của dân tộc luôn thuộc về nhân dân. Ai là người vì dân, vì nước lịch sử sẽ phán xét. Nhân dân hôm nay chắc chắn không phải là kẻ ngu muội, không phải là đứa con nít mới tập nói, tập đi; không phải kẻ đui mù, câm điếc chỉ có những kẻ vì quyền lực, vì lợi ích riêng, vì tiền tài, danh vọng cá nhân mới bất chấp liêm sỹ, đạo đức, truyền thống lịch sử dân tộc mới có thể đồng lỏa, đồng tình…
Bài học lịch sử đã cho thấy-Triều đại nào rồi cũng sẽ sụp đổ!. Triều đại nào đặt lợi ích nhân dân, dân tộc lên trên- Tổ Quốc Trên Hết- triều đại ấy sẽ tồn tại lâu dài . Không có triều đại nào nắm quyền cai trị muôn đời!
Tuổi trẻ ngày xưa và hôm nay nghĩ gì? Tuổi trẻ luôn là mùa xuân của đất nước nhưng phải được ươm, được sống tự do, độc lập trong môi trường sống lành mạnh, không bị nhiểm ô !….

Nghĩ về một thời tuổi trẻ (I)




Ai cũng có một thời tuổi trẻ.! Tuổi trẻ luôn là con người của thời đại.Tuổi trẻ ngày xưa lớn lên trong chiến tranh, đất nước hai miền chia cắt…khác với tuổi trẻ hôm nay sống trong bầu trời hòa bình, đất nước thống nhất và bước vào kỷ nguyên mới, thời đại mới….Nghĩ chuyện xưa vì tuổi trẻ hôm nay. Tuổi trẻ luôn là tương lai của dân tộc, đất nước.

Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ tháng tư năm 1975, những người một thời tuổi trẻ với lòng dạt dào yêu nước, yêu cách mạng, đã có ý thức rõ ràng-“khi bước chân vô là chấp nhận tù đày, là gươm kề cổ, súng kề tai..”; ý thức cuộc sống của mình gắn liền với sự sống và tương lai của cả dân tộc, yêu hòa bình, độc lập, yêu cuộc sống làm người trong một đất nước dân chủ, tự do… Những người luôn có ý thức sâu sắc về lịch sử dân tộc hơn một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, luôn quý trọng, tự hào truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc…Những người tuổi trẻ thời ấy ( 1960-1975) giờ đã bước vào tuổi nghỉ hưu và đang chuẩn bị nghỉ hưu.. Nhìn lại một thời tuổi trẻ với biết bao tự hào, trăn trở, nghĩ suy!….
(1) …Những ước mơ ngàn năm nay đã tới…
“Những ước mơ ngàn năm nay đã tới. Đất với trời nay đã thuộc về ta” ! Tâm hồn tuổi trẻ đã xiết bao hân hoan mừng ngày đất nước giải phóng. Đất nước độc lập, tự do, thống nhất, từ nay sạch bóng quân thù ! . Ta lại về ta! Những anh em bạn bè thời tuổi trẻ đã ra đi vì sự nghiệp đấu tranh của dân tộc- người chiến khu về; người lao tù ra, người hoạt động bí mật, công khai sống, đấu tranh trong lòng đô thị; người còn kẻ mất…nhìn mặt nhau tưởng rằng không bao giờ gặp lại…xiết bao vui mừng !. Hôm nay Độc lập, Tự do đã về ta! Khát khao, ước vọng của tuổi trẻ cho cả dân tộc nay lại bắt đầu với chặn đường lịch sử mới! Tâm hồn lãng mạn của tuổi trẻ đã đi ra trong cuộc chiến tranh yêu quý vô cùng những gì đã đạt được cùng với những ước mơ, lý tưởng về một dân tộc mới trong thời đại mới! Tuổi trẻ đã có ý thức, ý chí, tri thức, nghị lực và cả tương lai trước mặt với tâm hồn nồng nàn yêu nước, đi đầu trong dòng sống, tầm cao lịch sử đã có biết bao nhiêu điều mơ ước, mong muốn đem đến cho nhân dân, dân tộc, đất nước, Tổ quốc Việt Nam yêu thương, cho mỗi con người, mỗi tâm hồn đã trải qua bao khổ đau trong chiến tranh, trong cuộc sống, trong nổi nhục “nhược tiểu”, nghèo nàn, lạc hậu …với tất cả sự cống hiến…
(2) …Ý thức dân tộc trong chiến tranh….
Là con người ai cũng có một nơi chốn mình sinh ra. Lớn lên ở trong mỗi gia đình, mỗi làng quê, mỗi phố phường, thôn xóm, trong mỗi trường học, đoàn thể trong cuộc sống xã hội … Tuổi trẻ lớn lên trong chiến tranh, tùy nhân duyên cuộc sống xã hội mà mỗi con người có những số phận riêng. Lớn lên cùng một thời nhưng mỗi người lại có con đường riêng để đi vào đời. Tuổi trẻ và dân tộc! Bằng sự ý thức, tuổi trẻ chọn con đường nào? Nếu cuộc chiến tranh chống xâm lược rõ ràng thì cả dân tộc sẽ cùng đứng lên , dù bất cứ thời nào cũng đều có kẻ bán nước, làm tay sai cho bọn xâm lược. Cuộc chiến tranh VN đã chấm dứt 32 năm qua đâu phải …dễ nhìn thấy, đâu phải mọi sự tỏ tường.…Biết bao nhiêu câu hỏi cho những con người tuổi trẻ bước chân vào cuộc đời với những chọn lựa. Nếu chỉ nghĩ đơn giản- lớn lên, ăn, học, có một bằng cấp, nghề nghiệp, đi làm kiếm tiền, lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái ..bình thường trong cuộc sống bình thường xã hội. ..không có gì để nói . Tuổi trẻ sống trong đất nước chiến tranh- cầm súng là điều không tránh khỏi. Đến tuổi là phải đi làm nghĩa vụ người công dân- nghĩa vụ quân sự hay quân dịch đều phải cầm súng để chiến đấu theo mệnh lệnh của kẻ cai trị nhân danh nhà nước …Với ý thức thân phận tuổi trẻ lớn lên trong chiến tranh, cuộc chiến tranh với nhiều ngôn từ nhưng trên chiến trường hai bên đều là người Việt, cùng chung một truyền thống lịch sử dân tộc, cùng một tiếng nói, cùng những niềm tự hào dù có khác nhau về chế độ chính trị xã hội. Tưổi trẻ không tự mình chọn lựa chế độ xã hội mình sinh ra nhưng lớn lên, ý thức về vận nước, với cuộc sống hàng ngày; với những bài học lịch sử trong nhà trường, truyền thống của mỗi gia đình…tuổi trẻ có ý thức hoặc không ý thức chọn lựa đường đi cho cuộc đời mình trong cuộc sống dân tộc – một dân tộc thống nhất, không phân chia!
(3) … Ý thức lựa chọn khi có dân chủ , tự do….
Là thế hệ sinh sau, đẻ muộn lớn lên lại trực tiếp với cuộc chiến tranh. Sau bức màn sắt của cuộc chiến tranh đỏ lửa là gì? – Lửa chiến tranh ai không khiếp sợ, có ai muốn lao vào. Tuổi trẻ và chiến tranh. Ngọn lửa vô nhân, vô tình . Tuổi trẻ phải đối mặt, phải đi vào. Có kẻ bị lùa vào như một đàn thú; có kẻ lao vào như kẻ thiêu thân; có kẻ trốn chạy, hủy hoại thân mình; có kẻ ý thức từ ngọn lửa đỏ rực! Sau ngọn lửa chiến tranh đó là gì? Là công cụ của cuộc chiến nên sau ngọn lửa là sự bí mật với tuổi trẻ- Bí mật ấy đâu dễ nhìn thấy, đâu dễ nhận ra… Cuộc chiến tranh trong một dân tộc, một đất nước ai cũng dành chính nghĩa về mình. Ai cũng tự khoác áo cho minh vì dân, vì nước. Ai cũng vì Tổ quốc Việt Nam. Ai cũng tự cho mình là tốt đẹp … Tuổi trẻ phải chọn lựa! Gắn liền cuộc sống của mình với tầm cao của dân tộc tuổi trẻ sẽ có ý thức. . Nếu chỉ vì một cuộc sống đơn giản, bình thường là một người dân trong một xã hội, tuổi trẻ phải chấp nhận những quy định sắt của luật pháp xã hội và cả đạo lý làm người.. Bảo vệ Nhà để bảo vệ Nước. Giữ Nước để giữ Nhà! . Tuổi trẻ lại luôn luôn là con người của thời đại, nhiều lãng mạn, lý tưởng, ước mơ; trọng chân lý, chống bất công; yêu công bằng, tự do, độc lập, tự chủ ..Nhưng trong chiến tranh, tuổi trẻ lại luôn luôn là đối tượng, công cụ của kẻ thống trị… Có ý thức chọn lựa hay không? Muốn hay không muốn ..đều phải cầm súng, trừ những kẻ đặc quyền, đặc lợi….Sự ý thức của tuổi trẻ đều trong một điều kiện xã hội nhất định. Kẻ thống trị bao giờ cũng bắt người trong xã hội phải tuân theo trật tự xã hội với những công cụ quyền lực và luật pháp. Trung thành với tổ quốc là trung thành với chế độ!. Con người có sự tự do của mình, tối thiểu là tự do tư tưởng để ý thức được vai trò, cuộc sống của mình trong xã hội, những quyền của người công dân trong xã hội dân chủ. Nếu không có tự do, dân chủ cho mỗi con người, con người trở thành một công cụ của kẻ nắm quyền lực nhưng con người bao giờ cũng là con người có ý thức nên dù có dùng quyền lực –công an, mật vụ, tòa án, nhà tù để ép buộc cách này, cách khác, con người cũng đều vươn đến sự tự do, có khi chấp nhận hy sinh cả mạng sống để dành quyền tự do của chính mình-quyền sống làm người và với dân tộc là quyền dân tộc tự quyết!

(4) Ước mơ … Aỏ vọng ….!…
Tuổi trẻ ước mơ, lý tưởng! Tuổi trẻ đi đâu, về đâu, làm gì..trong cuộc sống xã hội chiến tranh!- Là cuộc chiến tranh chống xâm lược? chiến tranh ý thức hệ, dân chủ, tự do chống công sản? Là cuộc nội chiến?.. Với truyền thống của người VN, ai cũng có lòng yêu nước, chống xâm lược, ai cũng quý độc lập, tự do; ai cũng có ý thức về một đất nước, dân tộc tự chủ… nên trong cuộc chiến tranh chống xâm lược kẻ lãnh đạo chiến tranh luôn khoác áo người yêu nước để động viên, thu hút lòng yêu nước của nhân dân, của tuổi trẻ. Tuổi trẻ với tinh thần yêu nước đã chấp nhận hy sinh tự do cá nhân mình để đứng vào trong một tổ chức, chịu sự lãnh đạo của môt tổ chức mà mình cho là có chính nghĩa, là dân tộc hơn cả . Tuổi trẻ với cả lòng nhiệt huyết nhưng vẫn luôn là “tuổi trẻ” nên dễ bị lừa mị, ảo tưởng theo một đường lối tuyên truyền đánh vào tâm lý. Nhưng là tuổi trẻ, đằng sau sự hy sinh cho hiện tại bằng tham gia vào cuộc chiến, tuổi trẻ còn ước mơ một đất nước VN sau này khi không còn chiến tranh và có lẽ, không ai ngu xuẩn để chọn cho mình một ước mơ, lý tưởng phủ nhận đi chính mình, phủ nhận một xã hội có những quyền tự do dân chủ dù là tối thiểu … .Một xã hội mình nghĩ là rất tốt đẹp, rất nhân bản, xã hội “người với người sống để yêu nhau”, xã hội tất cả vì nhân dân, dân tộc, tổ quốc …Vì tin vào tính bản thiện, vào tính Người, vào lòng yêu nước của mỗi con người VN, tuổi trẻ đã bỏ ngoài tai tất cả những gì dù người đi trước đã có kinh nghiệm- để tham gia tranh đấu. Một cuộc chiến tranh đã huy động cả truyền thống hơn 4 nghìn năm đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc…Nhưng tuổi trẻ vẫn là tuổi trẻ! -
Ước mơ lớn, ảo vọng nhiều!…