Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

MỘT LOÀI HOA CỎ





Sau 27 năm dài xa cách em đã ôm chùm lấy tôi tại nhà ga phi trường, mừng rỡ, hân hoan, tôi cũng vui mừng khôn xiết!. Em đã về đúng hẹn vậy mà tôi cứ lo, cứ sợ trong cuộc đời này sẽ không còn bao giờ gặp lại em. Nhưng em đã về!. -Ôi, người yêu thương dấu ái … !

I.Từ những ngày đầu xa xưa ấy-”ta quen nhau trong ngày tranh đầu…”; rồi, “ chỉ vì đôi mắt mà ngơ ngác...”…Cái ngày ban đầu nhưng mấy chục năm dài…không thể quên. Em đã cho tôi “nụ hôn đầu mơ ước..”.! Tuổi trẻ! Chiến tranh! Ước mơ Hòa bình, Tự do, Độc lập! Dấn thân vào con đường tranh đấu …! Tuổi em mới đôi tám. Tôi hơn em 2 lớp. Cùng tham gia BCH Tổng đòan học sinh. Em phụ trách báo chí. Tôi phụ trách Văn nghệ.Tôi đã có một nhóm văn nghệ hoạt động trong phong trào “hát cho dân tôi nghe! Em có bạn bè đồng lứa, ham mê sinh hoạt báo chí! Tuổi trẻ đến với phong trào yêu nước, tham gia đấu tranh trong phong trào SVHS…như là chuyện bình thường dù thời ấy vẫn còn rất nhiều tuổi trẻ không chọn cho mình con đường ”dấn thân” …. Đến với phong trào SVHS. Tham gia đấu tranh chống độc diễn ”Thiệu-Hương” tháng 10/1971. Em cùng với Tổng đoàn đã làm Báo Tiếng gọI học sinh Đà Lạt-số Báo ấy vẫn còn lưu…; tham gia các hoạt động xã hội để khơi dậy, xây dựng tình cảm yêu nước, tình tự quê hương, đi vào cuộc sống nhân dân lao động …Với lứa tuổi đầy ắp tình yêu, ước mơ, nhiều lãng mạn. Vẫn thích ”chi bộ hai người” ( Nhất Linh). Say sưa” một vòng hoa cho người cách mạng”. Yêu lẽ sống của Che Guevara; Chép trong sổ tay những vần thơ cách mạng-; Yêu Lời Mẹ dặn( Phùng Quán), cây ”Tre Việt Nam”; thích Những “Đêm liên hoan”, “Bên kia sông Đuống (Hòang Cầm); Những bài thơ của những nhà thơ SVHS tranh đấu ( Võ Quê, Hữu Đạo...) ; gửi tặng em Tâm tình hiến dâng –(Rabindra Nath Tagore - Đỗ khánh Hoan dịch)…Và,- “Tự do và ái tình /Vì các ngườI ta sống/Vì tình yêu lồng lộng/ Tôi xin hiến đờI tôi/ Vì Tự do muôn đời/ Tôi hy sinh tình ái” ( Sándoz Petófi- Xuân Diệu dịch)” ….Từ tình cảm yêu nước trong môi trường học đường, hoạt động trong phong trào SVHS…chúng tôi, dấn thân vì lý tưởng, ước mơ…


Em tuổi đôi tám. Dáng thon. Ăn mặc giản dị. Tóc dài xỏa ngang vai. Khuôn mặt dễ nhìn, những người bạn tôi gọi em có khuôn mặt của Mẹ Maria. Hơi nghiêm. Lý lẽ. Liếng. Môi dường như luôn ửng nụ cườI khi cùng nhau trong một tập thể. Tình cảm không yếu đuối…nhưng khi ở bên nhau em hay khóc! Tôi không hiểu hết ! Con gái học ban C- văn chương dù các môn khoa học không phải kém. Tôi học ban B lại say mê văn nghệ. Có một thứ tình cảm mà con người ai cũng có, từ cái nôi ấy tạo cho con người tình cảm đạo đức, lẽ sống, làm gốc bền trong cuộc sống, đi vào đời. Em hay khóc cũng bởi từ cuộc sống gia đình với nhiều tình cảm yêu thương… Em không thuộc gia đình lao động. Ba làm ở Sở thuốc- Viện Pasteur. Các anh chị lớn đều học Đại học. Anh trai -trai thời loạn...cũng phải vào lính ! Anh kế đi du học nước ngoài. Các em nhỏ đang học cấp 1, cấp 2. Gia đình thanh sạch. Không giàu và đúng ra là sẽ ...không nghèo, trước đó nhà vẫn có xe hơi nhưng rồi…, nhà ở không yên một chổ, tôi đến thăm em với nhiều địa chỉ .. Vẻ bên ngoài em vẫn luôn vui tươi nhưng khi một mình thì nhiều trầm lắng ! Buồn. Khổ tâm !..Với tình cảm ban đầu, chớm mộng tình yêu. Em đã viết nhật ký về tình cảm của hai đứa bị Ba bắt gặp, đọc được và rầy la, ngăn cấm ! Tôi vẫn vô tư. Vẫn những chiều thứ Sáu hò hẹn. Chúng tôi và bạn bè đã có những đêm trăng đồi Cù ướt cỏ sương. Những hôm đưa em đến trường, có những chiều đưa em về dướI trờI mưa… . Những ngày bên nhau muốn cho nhau… tất cả! Tôi gửi em những ca khúc của mình và viết những ca khúc tặng riêng em. Em tự làm những cánh thiệp, vẽ những bức tranh bằng chì màu, bút nguyên tử với đóa Hoa Hướng dương, Mặt trời trên đỉnh núi... tặng tôi với mơ ước- “…thuở ấy thanh bình chắc nở hoa... » ! Ba và một chị gái có lẽ không thích tôi vì lo cho tương lai con gái, mong cuộc đời em sống trong giới thượng lưu còn tôi thuộc gia đình lao động, anh chàng giáo viên nghèo đâu có gì ngoài …một trái tim! Em đã -“Yêu mà không dám ngõ, không dám gọi đến tên, không dám liều công nhận, chỉ âm thầm xót xa..”. Gần nhau mà cứ nghĩ cách xa, “nghìn trùng xa cách”, vẫn thiết tha, “anh vẫn mãi ngủ yên trong đôi mắt buồn của em..”!. Mỗi lần gặp là ...nhiều nước mắt. Rồi, em đã cắt tóc thề gửi cho tôi. Tôi đã tự biết cái ngày ấy …sẽ đến -« Ngà̀y xưa em cắt tóc thề/ Biết rằng em sẽ không về cù̀ng anh/ Tì̀nh yêu dù̀ có mong manh/ Nhưng nguyện thề sẽ yêu anh trọn đời /Quê hương, phận nước, phận người... » ! Còn em -"Nguồn vui mong manh như giọt sương mai vừa mới nở cười đã vội vàng chết yểu. Nhưng u buồn thường dai dẳng khó tan. Hãy để tình yêu khổ đau trong mắt em bừng tỉnh"( RabindraNath Tagore- Tâm tình hiên dâng).

Những ngày tôi vào Khu để học, rất là tiểu tư sản , ăn mặc như đi dạo phố, mang giày da đi lội đường rừng. Chỉ cách một dãy núi thôi, đi bên này nhìn thấy đồn bót bên kia. Những đêm nằm trong láng nhỏ giữa rừng với ngọn đèn “ló thụt” leo lét. Nhớ em, nhớ về thành phố, tôi đã -« gửi về em người em thành phố , tiếng chim reo vang khắp núi rừng. Gửi về em gió ngàn, thác núi với mối tình xanh thắm trong lòng trai... » ; và ” Dù đạn bom quân thù đổ xuống, Nhưng cánh hoa rừng vẫn nở muôn nìềm tin »... Tôi đã viết nhiều ca khúc để tặng em nhưng phổ biến thì...không dám(!) cũng bởi vì cái tình cảm lãng mạn ” vì tự do muôn đờI”…Tôi lúc đó, “CM” là thiêng liêng, là trên hết. Đã chấp nhận hy sinh. Chuyện cá nhân xếp lại. Ước mơ ngày mai Hòa bình, Tổ quốc độc lập, tự do- TỰ DO CHO TẤT CẢ! Không dám hẹn nhưng tự hứa với lòng mình- ngày ấy thanh bình… ! Rồi, một ngày người bạn của em bị bắt người ta nghi ngờ…có quan hệ đến em. Tôi vẫn luôn tin em ! Tình cảm yêu nước sáng trong. Người chỉ đạo tôi trong Khu có gặp, có biết em như thế nào đâu, chỉ nghe qua báo cáo. Nói lý luận thì hay nhưng đa nghi như Tào Tháo. Cô gái nào đẹp, dễ thương...đều nghi ngờ là địch, là « Thiên Nga », rồi cảnh cáo tôi- Có muốn làm “CM “ nữa hay thôi, nếu tiếp tục thì hãy cắt đứt quan hệ. . Cảnh giác, đánh giá tôi_ « trái tim lầm chổ để trên đầu... » ! Tôi vẫn giữ gìn tình cảm của mình !. Những nghi ngờ ấy sau này đã tỏ tường. Còn em …buồn, dần xa ... vì...người ta đã không tin mình...! VớI cuộc sống trước mắt, em phải chuẩn bị thi Tú Tài. Tôi đã là anh chàng giáo làng ở cách xa thành phố ! Vẫn gặp nhau trong ước mơ, lý tưởng, tự do ...Buồn, xa cách, đôi lúc có chút giận hờn, yêu thương, trách cứ -“ Người ta vui ở phố phường, còn ta ở một góc rừng nhớ thương... » !

II. Những ngày cuối tháng ba, đầu tháng Tư năm 1975, dòng người dân thành phố đùn đùn “di tản ». Lúc đó tôi chưa trở lại thành phố. Khi tôi về thì em và gia đình đã ở SG. Sau ngày 30/4/1975 em và gia đình về lại Đà Lạt. Nhà em lại ở một chổ khác ! Em vẫn như nụ hoa mai ban sớm thuở nào trong phong trào đấu tranh đô thị. Tích cực tham gia các hoạt động của Hội thanh niên. Làm Chi hội trưởng một khu phố. Mỗi buổi sáng cũng huy động thanh niên chạy tập thể dục hò la rộn phố phường. Rồi vận động thanh niên đi trồng cây, làm rẩy, trồng khoai, bắp…. Có lẽ, từ nhỏ đến lớn em chưa bao giờ biết cầm cuốc bây giờ cũng phải xắn tay, cũng phải gương mẫu để « tự nguyện cải tạo lao động »(!). Không khí xã hội, thanh niên lúc đó, ngày thì đi lao động, lo muôn vàn vấn đề về cuộc sống, tối lại thì đi sinh hoạt thanh niên học tập về « bản chất hai chế độ », về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản « mùa xuân của loài người » nghìn lần tươi đẹp hơn. Khi nào cần “huy động” thanh niên thì thanh niên luôn “sẳn sàng”. Vui, vì có không khí lan tỏa của phong trào. Sợ, thì cũng có và lo thì ai cũng lo cả, không biết cuộc sống sắp tới như thế nào, không biết miền Nam có như miền Bắc trước đây không. Nhiều người đã có “kinh nghiệm bản thân”, vẫn sợ những cuộc đấu tố như cái thời cải cách ruộng đất của Miền Bắc và.... Mọi người cứ tự trấn an mình để chờ đợi...Chúng tôi cũng ít gặp nhau. Khi gặp thì mỗi người một vị trí khác nhau, không dám để tình cảm riêng chi phối, chỉ hổ trợ, động viên, giúp nhau trong tổ chức sinh hoạt...Tuy vậy, thanh niên cũng nhạy, nhiều người biết tôi với em...là của nhau từ những ngày...xưa !

Những bộ máy của nhà nước quân quản cũng dần hình thành. Các ban bệ bắt đầu đi vào hoạt động với sự « chi viện » của cán bộ miền Bắc.- « Miền Nam nhận họ ; Miền Bắc nhận hàng » ! Cái xã hội « miền Nam » nghèo đói » dưới ách cai trị của Đế quốc thực dân mới, của ngụy quyền tay sai như thế mà lại có nhiều « nguồn hàng » để “chảy” về miền Bắc XHCN. Miền Nam trông ngóng nhận họ, những người thân tập kết về , ngoài tình cảm gia đình cách xa mấy chục năm chiến tranh khói lửa và cũng để làm « chổ dựa » , tạo chút niềm tin trong cuộc sống xã hội mới không biết sẽ về đâu..Tôi cứ bị cuốn vào hoạt động công tác, chỉ đôi lần gặp nhau. Rồi tôi được cử đi ra miền Bắc XHCN để học. Lúc đó là một vinh dự lớn, ai cũng háo hức muốn biết miền Bắc XHCN như thế nào…. Cũng may, nhờ những ngày tháng ban đầu đến Thủ đô Hà Nội sau 1975. Đi đâu cũng có biểu ngữ chào mừng đòan cán bộ miền Nam; rồi đi tham quan thực tế một số tỉnh, thành; ở trong những gia đình xã viên hợp tác xã, ăn cơm “gạo mới”…tôi thấy nhiều khác lạ của nông thôn miền Bắc so với miền Nam và có như vậy, những thời gian sau này quay lại Hà NộI tôi mới thấy nhiều sự đổi thay…. !

III.Cuối năm 1976, thời gian sau đại hội IV ĐCSVN, tôi đã học xong và trở về lại miền Nam thì biết tin em đi học về ngành Du lịch tại Vũng Tàu. Em học giỏi ! Ngày cuối chuẩn bị thi tốt nghiệp thì nhà trường... không cho thi mà “cho về địa phương “ do “lý lịch xấu» vì Bố có quan hệ với tổ chức « phản động »(!)…Em phải về lại nhà. Tương lai như nắng mai vừa ửng nắng đã có áng mây mờ khuất che. Em đi về quê Mẹ ở miền biển xin làm ở một cơ quan Báo địa phương. Nhờ có khiếu văn chương, có trình độ, ham thích công việc, làm bất cứ việc gì được phân công. Em đã về gặp tôi. Tôi bất ngờ gặp lại em sau một thời gian xa vắng. Vẫn nụ cười hoa Mai. Tình cảm ấm nồng.Tôi đã đưa em về đi trên những con đường còn rợp mát bóng thông. Mặt Hồ Xuân Hương vẫn xanh bóng nước. Những con đường còn ngơ ngẩn những bông hoa. Những Biệt thự vớI những thảm cỏ mượt đã thay màu xanh của khoai, bắp … Em về lại cơ quan tiếp tục công tác, nhưng rồi, được một thời gian người ta lại cho em nghỉ, … cũng … vì “ lý lịch” ! Buồn! Ai mà chẵng buồn khi ở trong hòan cảnh như vậy, dù “hòan cảnh” ấy mình không tạo ra! Một người muốn sống hữu ích với xã hộI, muốn có việc để làm nhưng đi đâu “ tổ chức” người ta cũng không nhận. Xã hội thì chỉ có cơ quan, doanh nghiệp quốc doanh đâu có những thành phần khác! Muốn học tiếp Đại học thì cũng không thể vì đối tượng, thành phần(!). Một xã hội mà quyền công dân của con người không được thừa nhận và tôn trọng trong thực tế, đầy dẫy thành kiến lý lịch, thành phần. Xã hội như của ai đó chứ có phải của mỗi công dân trong xã hội… Phải làm gì đây, phải sống sao đây ?

Thời gian em làm Báo chúng tôi có viết thư cho nhau. Qua thư tôi đã rất mừng, nghĩ rằng em đã chấp nhận “ an phận » để « về » cùng tôi. Lúc đó, « thế CM » đang lên(!). Tôi đang là cán bộ trong một cơ quan, tổ chức chính trị. Tuổi trẻ, u mê, rất hăng say, nhiệt tình công tác. Lập gia đình thì phải « báo cáo tổ chức », phải được tổ chức đồng ý- Em, với « lý lịch » mà làm gì cũng không được thì...sẽ sao đây? Tôi cũng có nhiều suy nghĩ. -“Thuở ấy thanh bình” rồi! Tôi… « chấp nhận » tất cả(!). Nhưng rồi, một người bạn của tôi gặp em nói rằng-không được, nếu đến với tôi thì « tổ chức » sẽ không đồng ý vì…thế này, thế nọ…Tôi đâu biết chuyện đó ! Em đã tự ái và ...có lẽ, cũng lo cho tương lai của tôi(!), em viết thư « trêu » tôi để đừng chấp nhận em nữa. Cũng do « tự ái » vặt trong sự xa cách không gian.…Chúng tôi đã không gặp nhau…

IV. - “Thanh bình “ rồi nhưng hoa “không nở” (!) dù ngày xưa em đã trao cho tôi cả tâm tình và mong ước-“Thuở ấy thanh bình chắc nở hoa »!. Đóa hoa tâm hồn tôi lúc đó cái lý tưởng, ước mơ, chính nó đã vùi dập mình rồi nhưng cũng phải cố lạc quan mà sống. ...Em như là một đóa hoa- Hoa cỏ thôi , không được nâng niu mà tự mình phải vươn lên trong một mãnh đất cằn cỗi, không được ai chăm sóc mà còn bị đào phá. Là cây , là hoa , dù nhỏ bé nhưng cũng góp phần tạo nên sự sống, vị ngọt và đẹp cho cuộc sống thế gian này và bản thân luôn tự vươn lên tìm về ánh nắng mặt trời. Phải vươn lên. Phải tự tìm sự sống thôi! Mặt trời xa vời quá nhưng ánh nắng vẫn luôn chiếu sáng đến vạn vật, cỏ cây, đến mỗi hạt sống của đời dù những cây cao, tán lá xum xuê muốn độc quyền che phủ, cản ngăn ánh sáng mặt trời đến những loài hoa nhỏ bé... – Bàn tay sao che cả bầu trời! Thời gian ấy sau chiến tranh biên giới phía Bắc rồi Kampuchia ; Xen tiếp « nạn kiều » và những dòng người “vượt biên”… Em yêu đất nước Việt Nam. Yêu gia đình, yêu Cha, yêu Mẹ, anh, chị em. Em cũng cần sự sống, cần cuộc sống, cần một lẽ sống, đời sống hữu ích trong cuộc sống trong thế gian này ! Phận gái một mình lao thân vào đời biết bao nhiêu cạm bẩy, hiểm nguy!. Em đã từng tham gia dấn thân đấu tranh vì Tự do, Hòa bình, Độc lập của đất nước nhưng bây giờ đất nước đã Hòa bình, Độc lập nhưng em lại phảI đi tìm… Tự do! Đất nước đã không chấp nhận em. Một sự tàn nhẫn. Bất nhân. Không có đạo lý. Có người mẹ nào nhẫn tâm từ bỏ con mình !?. Có người con nào bất hiếu, phản bội lại Cha Mẹ. Cái thời « đấu tố » xa lắc, xa lơ trong xã hội miền Bắc mà thời gian đó em mới được mẹ sinh ra đến bây giờ...em lại phải chịu cơn đày của non nước. Mẹ em vẫn luôn yêu thương không muốn xa đứa con gái yêu nhưng Mẹ tổ quốc Việt Nam vì sao lại ruồng bỏ. « Mẹ Tổ quốc VN » không từ bỏ bất cứ ai chỉ có những kẻ tự nhân danh Mẹ, bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, bất tín, không còn lương tri đạo đức, làm con mãnh thú, chúa sơn lâm trong chốn rừng xanh mới có hành động như vậy. Mẹ, với Từ Tâm, tấm lòng người Mẹ luôn lương thiện, nhẫn nhục, khổ lụy, hy sinh …Con người, Đạo lý cuộc đời đã không có thì sao có thể làm đứa con hiếu thảo của dân tộc, Tổ quốc, lương tri nhân loại?! Em phải tự mình đi tìm ánh mặt trời soi, tìm một một chút nắng trên con đường sống trong bầu trời xám…: “Tự do, Tự do, hôm nay đã có tự do”…Có người đã bừng lên cất cao lời hát khi thoát khỏi nhà tù Côn đảo sau mùa xuân màu đỏ! Còn em?! Hòa bình đã về như mơ ước nhưng sao thân phận mình không được phép yêu đất nước, quê hương! …Em đã chọn con đường cuộc sống tử - sinh! - “Xưa Bà Triệu cuỡi con sóng dữ, Em cưỡi sóng Thần… để biệt ly”…

Một thời gian sau, có thời gian tôi được cơ quan “ưu ái” cho đi « nghỉ chế độ» ở Vũng Tàu. Khi đi dọc ven biển bờ thành phố tôi bàng hòang nhìn thấy những xác người lềnh bềnh, có thây còn hình hài, có thây đã dần bị rửa nát....của những con người trên những con tàu bị cướp, hoặc bị đắm... . Tôi lo sợ. Tôi nghĩ đến em. Tôi mong em đến nơi có sự sống . An tòan. Tạo sự sống mới. Ở trên trái đất này ở đâu cũng là nhân loại!. Thì thôi, hãy tìm đến nơi có tiếng nói nhân tâm, cuộc sống tự do của con người để tự vươn lên trong bầu trời nắng ấm, cao rộng...Em có đến được nơi mong đến hay không?. Em có được làm loài hoa cỏ trong cuộc sống thế gian này hay đã bị vùi sâu trong lòng biển cả ?! Tôi vẫn mong ngóng…Một thời gian dài không có tin em! Rồi, tôi rất mừng vui khi gặp đứa em trai của em và biết tin em đã đến nơi mong đến. Đang sống cuộc sống làm người trong xã hộI tự do. Đã có gia đình riêng. Là kỹ sư computer. Tôi mong em hạnh phúc và luôn mong có ngày được gặp lại.....

Gần 20 năm sau tôi nghe tin em về lại quê hương. Không có duyên, tôi đã không gặp. Một lần sau nữa, dù biết tin em về nhưng tôi bận đi công tác xa.. Lại duyên không có(!) nhưng trong cuộc đời này tôi tin tôi với em sẽ là nhân-duyên của nhau nên tôi đã gửi một tập ca khúc và đĩa nhạc nhờ một người bạn của em chuyển lại. Hơn một năm dài đằng đẳng chờ đợi vẫn bặt tin. Không một dòng chữ. Không một tiếng nói. Có lẽ em không muốn gặp lại người xưa!?. Có lẽ em muốn an phận với cuộc sống mớI?!. Có lẽ em không muốn nhớ lại những tháng ngày qua của một thời tuổi trẻ nhiều khổ nhục, đắng cay!?.Tôi nghe bạn em kể lại cuộc đời em trên đất quê người… Ôi! Hồng nhan, đa truân ! Cuộc đời em sao nhiều đắng cay, khổ ải. Muốn sống cuộc sống bình thường, dung dị, hạnh phúc cuộc đời như bao người....nhưng sao mà khó ! Có lẽ, đời thử thách lòng người. Khi em được sinh ra, bước chân vào cuộc đời với nhiều bão táp, phong ba, càng biết thẳm sâu của lòng người em như con tàu cứ xông pha, chấp nhận bão tố, có những lúc tưởng chừng ..từ bỏ cõi đời này. Nhưng,. em có lòng tin! Có những ngườI, ta gọi là “kẻ thù”, có những hành động tàn bạo, thú tính, dã man, là công cụ trong cuộc chiến tranh nhưng sau này người ta đã thức tỉnh lương tâm, ăn năn, sám hối quay về cúi đầu nhận tội lỗi xưa và cầu xin tha thứ nhưng sao lại có những người dường như vô cảm, không có lương tri, không biết sám hối, ăn năn!!. Khác nhau, có lẽ do con người sống có đạo hay vô đạo, có cuộc sống tâm linh hay không có! Với lòng TIN ? Có, nếu ai có lòng Tin. Tin thì sẽ có!. Với em, cuộc đời, thân phận dường như chỉ còn một chút rể tơ mành bám vào cuộc sống thế gian này; em chỉ còn một niềm tin vào đấng thiêng thiêng để còn có thể còn Duyên với cuộc đời. Tin, một niềm tin mãnh liệt. Một mình với đấng thiêng liêng, em đã cầu nguyện bằng lòng thành và tất cả lòng tin ! Niềm tin của em đã được chứng. Em đã được « cứu độ »! Đã vượt qua. Đã tìm lại được niềm tin sự sống trong cuộc sống an bình ! Tâm hồn em giờ đã có nắng ấm. Em vững vàng sống, một cuộc sống bình dị, chăm lo cho “những tương lai nhỏ” của mình dù đã có với người em không yêu…

-Em đã ra đi, đã Quay về! Em nói, “nếu có duyên thì…”! Chúng tôi vẫn còn “có duyên” với nhau nhờ công nghệ mới của thế giới hiện đại. Mạng internet toàn cầu đã nối những tầm hồn lại với nhau, sống với nhau trong thế giới nhân loại rộng lớn. Vì “còn duyên” nên chúng tôi càng hiểu nhau hơn dù bây giờ em vẫn cách xa tôi ngàn vạn dặm nhưng tôi vẫn tin trong tâm hồn em có tôi trong cuộc sống cuộc đời này và tôi, cũng không bao giờ quên những kỷ niệm, tơ lòng và ” nụ hôn đầu mơ ước” của tuổi xuân mơ- Mơ một tương lai đất nước tươi đẹp, một sự hòa dịu của Đời, hạnh phúc, hòa hợp của Người, của những tâm hồn yêu thương vì… “tự do muôn đời” !- “ Tự do muôn đời”, cả cuộc đời chúng tôi từ thời tuổi trẻ đến nay vẩn còn …đi tìm. ” Tình yêu lồng lộng” vẫn sẽ còn mãi mãi trong mỗi trái tim!.

Em, “Một đờI hoa cỏ dại, Một tâm hồn tinh khôi!” Hãy vững lòng tin và hãy luôn giữ gìn!. Sống yêu người, yêu đời trong tình yêu con người-nhân loại. Ta tin cuộc sống ngày mai sẽ tốt đẹp, con người sẽ luôn sống sáng trong tình yêu thương-bình đẳng, dân chủ, tự do…để tình yêu chắp cánh cho mỗi tâm hồn và cho những đôi lứa yêu nhau, chắp cánh cho Tổ quốc Hùng Vương ngàn đời yêu dấu, trường tồn sẽ tung cánh bay trong bầu trời tự do, nhân loại!….

Em lại ra đi!
-Hãy tự Quay về!!


Ca khúc

Một thoáng Phong Lan

mot thoang phong lan




Gửi nhớ vàng Thu
gui nho vang thu BC

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2008

TỐ TÂM





I. Tôi bước chân vào trường sư phạm qua hai vòng thi, lúc đó không dễ dàng như bây giờ. Nhà giáo lúc đó được trọng vọng. Là nghề cao quý. Lương không thấp, dư sống với một cuộc sống thanh bạch của người giáo chức!.

1.Vào trường SP, bạn bè lứa tuổi cùng lớp, cùng học thời trung học không có nhưng có thêm những người bạn mới, nhiều lứa tuổi. Gái thì có những người chuẩn bị hoặc đã lập gia đình; Trai, tuyệt đại đa số - “trốn lính”! “Trốn lính” vào học nghề làm thầy, dù “thân phận nổi trôi” theo dòng đời trong xã hội chiến tranh, rồi hòa bình với nhiều xáo động trong cả cuộc sống, xã hội và thân phận con người. Sau này, có người tiếp tục “con đường” trên vai trò, trách nhiệm người thầy cho đến hiện tại, có người không chấp nhận được cái môi trường có “sư” mà thiếu”sư”, có “phạm” mà thiếu “phạm”; không chấp được lối sống bon chen hoặc vì cuộc sống …đã bỏ “nghề” ra xã hội để cầm cái cuốc hoặc bương chải trong cuộc sống xã hội để tồn tại bằng lao động mà nhiều giá trị bị đảo lộn(!).

Ở trường SP dù có thêm nhiều người bạn thân mới nhưng tôi lại thân thiết nhất với hai ngườI bạn,một trai và một gái!. Trên chiếc xe Honda dam của tôi lúc đó sau yên xe hình như không lúc nào trống, không người bạn này thì người bạn khác nhưng thường xuyên thì chỉ…có hai! Người bạn gái cũng có xe chứ nhưng hình như chỉ thích xe do tôi “cầm lái”! Người bạn trai thì luôn gắn bó, ngày cũng như đêm… Chúng tôi thân nhau vì…cùng thích nhạc, thích đàn. Người bạn gái thì thích học đàn vì cũng cần cho nghề làm cô giáo. Tiền cà phê, thuốc lá tôi kiếm thêm bằng …đi dạy đàn, nhưng tất cả, chủ yếu là tiền của Mẹ…Như vậy đó mà cũng không chịu “an phận”! Lòng yêu nước, yêu quê hương người giáo viên nào mà chẵng có!. Thầy giáo lúc đó, đa số là những người đi “truyền lửa”, ngọn lửa yêu nước, yêu quê hương, yêu hòa bình, yêu NGƯỜI..!Nhiều văn nghệ sỹ, những nhà văn, nhà báo, thi sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ thời đó …xuất thân là nhà giáo !…Tình cảm yêu nước của các thế hệ trẻ trong học đường cũng được truyền bởi những người thầy- “kẻ sỹ” của thời đại! …Văn, thơ, nhạc…yêu nước dễ làm cho bạn bè gần nhau còn tình cảm riêng tư, yêu đương, mộng mơ thì ai cũng có….Chúng tôi là hạt nhân của nhóm nhạc- tốp ca khúc của trường sư phạm, hát và phổ biến cho nhau những ca khúc làm “vốn liếng” để đi dạy học sau này vừa trao cho nhau những tình cảm quê hương, đất nước … Rồi, thầy giáo dạy nhạc giao cho tôi thay Thầy hướng dẫn giờ học Nhạc cho lớp, rồi giao cho tôi phụ trách chương trình nhạc, còn thầy dựng vở kịch chính trong chương trình văn nghệ của trường lần đầu tiên biểu diễn trước công chúng thành phố…Những hoạt động ấy đã tạo thêm dấu ấn, nhiều kỷ niệm, sau này hay kể lại khi chúng tôi gặp nhau hay những lần họp mặt… Chúng tôi thân nhau, quý mến nhau, ăn ngủ chung với nhau, chuyện riêng tư…đều kể, gần gủi nhau về quan niệm sống và thái độ nhận thức về cuộc chiến…

2.Học “làm thầy “ nhưng trong nhà trường thì cũng vẫn là “trò" cho nên chúng tôi cũng có lúc ...“cúp cua”....Riêng tôi, đã có người “chép bài thay”, “vẽ thay” …khi “trốn học” và “lười học”! Khi thiếu tiền cà phê đã “có chổ” để vay(!)…Tình cảm riêng tư đã có nhiều xao động, tình cảm ấy sau này đã làm khổ cho người và cho mình!…Cái gì đến dù muộn mằn rồi …cũng đến!…Người bạn tôi sau này gặp một người con gái tâm hồn lúc đó cũng đầy tràn tình cảm quê hương và “dấn thân”…Người ấy lại là bạn của người con gái đã trao tặng tôi câu thơ”-Chỉ vì đôi mắt mà ngơ ngác, Như có hoàng hôn đổ xuống lòng”… Rồi, một ngày, tôi buồn, tôi giận, tôi thương người bạn của tôi vì thương tôi và Mẹ tôi mà đã nói với Mẹ tôi là tôi “làm VC” và sợ tôi bị bắt! Vì thương mẹ tôi, sợ mẹ tôi lo cho tôi mà tôi giận bạn; tôi thương bạn vì bạn thương tôi mà lo cho tôi và gia đình tôi! Bạn tôi biết tôi giận nhưng không nói. Tôi thì chẵng sợ gì vì tôi tin bạn dù người bạn ấy “không đi chung đường”, nhưng dù sao, tôi phải giữ mình, nếu những người bạn khác biết thì…rất nguy hiểm! Chúng tôi vẫn đi học với nhau, đi chơi với nhau, cũng bình thường như trước kia nhưng vẫn có chút gì đó(!)… Thời gian ấy chúng tôi cũng sắp ra trường, sắp xa những người bạn gái, trai, yêu thuơng, thân thiết. Sống với nhau thật thà, vẹn một tinh thâm!…

Ngày ra trường, nhận nhiệm sở, chúng tôi mỗi đứa về một nơi. Tôi không thể đi khỏi địa bàn địa phương vì …là nhiệm vụ. Chia tay nhau trong …lặng lẽ! Những cánh chim đã cất cánh bay về những phương trời. Mỗi người có một “lý tưởng” sống- Sống yêu người, yêu đất nước, quê hương, yêu thương những học trò bé nhỏ, hồn nhiên, ngây thơ; vui với cuộc sống nhiều ước mơ tuổi trẻ, với riêng tôi lại còn có cả “nhiệm vụ”…!Bầu trời đất nước thời chiến tranh, lứa tuổi chúng tôi, dù sao cũng có bầu trời cao rộng. Chúng tôi có những quyền tự do mà mình muốn làm gì thì cứ làm miễn sao sống có đạo lý, giữ thiên chức người thầy, không hại người, không bị ràng buộc bởi những “cái hồ lô” yêu quái!.Yêu đất nước thì mỗi người mỗi cách….Với người “con gái ấy”, nhiều tình cảm, nhiều kỷ niệm, nhiều xốn xang! Một hai lần tìm gặp nhau sau ngày “lặng lẽ” và, mãi hơn ¼ thế kỷ sau này, tôi mới được nghe lại giọng nói từ bên kia bán cầu…-."vẫn âm sắc xưa/pha chút màu thời gian/ cộng hưởng không gian/ Vẫn âm thanh giọng nói xưa/ chân thật/ của cõi lòng chân chất/ hồn nhiên /Anh nghe thêm cả điệu nhạc tâm hồn của lời nói xưa /chưa nói bằng lời/ của hôm nay/ không nói được bằng lời…” Sau đó, chúng tôi có một lần gặp lại nhau!…-Ôi,” Maria! Tố Chân….”!

II. Biền biệt một thời gian không ngắn, ở hai địa phương chỉ cách nhau một cái cầu, lâu lâu chỉ hỏi thăm để biết tin nhau. Nhưng cuộc đời, “gặp nhau trong cõi vô thường, nên duyên sẽ là mãi mãi…” ! Hai bạn trai chúng tôi gặp lại nhau khi mỗi đứa vừa mới lập gia đình! Con gái đầu lòng của cả hai lại cùng tuổi. Đứa thứ hai tôi có thằng con trai, bạn tôi có thêm đứa con gái đều…sinh cùng năm. Bạn tôi “thua” tôi, tôi có thêm một đứa con gái…!

1.Cuộc sống sau ngày “giải phóng”, trong cơ chế thời “bao cấp” sau này kể lại cho con cái nghe chúng không thể tưởng tượng nổi, tưởng rằng như chuyện “đời xửa, đời xưa”, chuyện ở thế kỷ nào trong cái thời “ngàn năm nô lệ…”. Từ cái ăn, cái ở, cái mặc, sản xuất, nuôi trồng; đi xe, đi cộ…mọi thứ…cứ như đùa(!). Đi dạy học, đi công tác bằng đôi chân đi bộ hàng chục cây số là chuyện bình thường. Bây giờ con cái đi đâu cũng có xe, hàng ngày lại “luyện tập đi bộ”!…Tuổi thanh niên trẻ, khỏe- “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”(!). Những ai “nhiệt tình CM”thì nơi nào xa lắc, xa lơ, không ai dám đến thì tuổi trẻ nhiệt huyết…”xung phong”! Người bạn tôi tự nguyện đến cái vùng đi bộ phải 60 cây số mới đến buôn làng đồng bào dân tộc, vùng “căn cứ CM” xưa, đem “cái chữ” đến cho đồng bào. Tự dựng lớp, dựng trường; đi “mời” gọi học trò đến lớp trong khi “đồng bào” cần cái ăn hơn cái chữ. Sống xa thị trấn. Thiếu thốn mọi bề. Đúng là nơi thiếu… “ánh sáng…”..-“Không “có thực” lấy gì “vực được đạo”(!) nhưng , tất cả mọi nhiệm vụ đều là …“hành động cách mạng”, luôn phải có “ánh sáng nghị quyết” soi đường. Có ” ánh sáng nghị quyết” dường như là có tất cả(!?).Chuyện về cái “ánh sáng nghị quyết”, trước đây khi nghe kể tôi nghĩ rằng là chuyện bịa. Sau này gặp một anh bạn trước cũng tham gia lãnh đạo phong trào SVHS tranh đấu nay đã nghỉ hưu kể lại, thì ra, chuyện ấy lại thật 100%, vì anh là một trong những nhân vật “tiếu lâm” …trong chuyện!

Cái khổ, cái thiếu, xa “văn minh đô thị” (dù đang dần “nông thôn hóa”) làm cho con người ta “mù tịt” thông tin, chẵng biết gì về thế giới chung quanh mình sống ngoài “thông tin” của “ánh sáng nghị quyết”, của “loa đài” một thời đã tạo nên một “lực lượng vật chất ”đi “giải phóng”, “làm cách mạng thế giới”(!). Những nguời đem gieo “ánh sáng” tự mình cũng đang cần! Trong rừng thẳm thâm u “ánh sáng” ấy cũng chẵng “dọi “được đến đâu. Muốn phá rừng để “đổi đời” cũng chẵng có lối để đi! Ánh sáng cuộc đời đang bị mây che phủ. Những ngày mưa, giá lạnh, đêm đến ngọn lửa bếp hồng của nhà sàn hoặc ngọn lửa rừng đêm vẫn có giá trị hơn!. Sống nghèo, sống khổ rồi cũng quen!. Sống với “đồng bào” lâu lại hiểu, cảm, thương và học được nhiều điều từ cái dung dị, chân chất, cái nhân bản, cái đẹp của “bản sắc văn hóa dân tộc”..Tình người, tình nhân loại…vẫn là ngọn lửa ấm….Cái thời ấy, tuổi trẻ không đến thì ai đến!? Đi thì dễ về thì vô cùng khó, nhiều người muốn về đã phải…bỏ nghề! Cái lý tưởng, ước mơ đã dần được “chứng” trong cuộc đời thực…!!.

Với “cái máu” say mê văn nghệ, âm nhạc. Vốn liếng về nhạc chủ yếu là tự học cũng chưa được nhiều, ảnh hưởng cái thói ham mê của bạn thời còn đi học, bây giờ “chàng giáo làng buôn” lại thích viết lách, sáng tác ca khúc. Viết bằng cả tấm lòng, bằng nhiệt tình, yêu thương, bằng cả cuộc sống, thi vị hóa cảnh khổ, lạc quan yêu đời.. -“Lũ chúng tôi những ngườI tứ xứ, gặp nhau trên cao nguyên thắm rừng xanh núi…Ươm mầm xanh cho đất nước rộn mùa hoa”. “Này bạn bè này bao em thơ. Ngày ngày ngày rộn vang bao câu ca. Cơm chiều gõ nồi. Chấm bài trò tả thầy đọc ra cười vang…” RồI, Cô- Trò “thi tài” hái chè. Hái cà phê “Thầy-Trò kiến cắn”. Những đêm lạnh quây quần ” khoai lùi bếp nóng, thắm tình quê hương…”! Hoặc tình cảm của những đứa học trò nghèo với “cánh hoa khoai lang”, “bìm bìm” tặng Thầy nhân ngày 20/11…(!!).

2. Sau những năm mới xóa bao cấp, con cái thì còn nhỏ, hai vợ chồng đều là giáo viên nghèo, những ngày nghỉ cũng phải đi hái đót về bán cho người ta làm chổi để kiếm thêm chút thu nhập, cải thiện đời sống. Sống ở Thị xã cách trung tâm khoảng hơn 2 km mà như ở nông thôn nhưng cũng “ấm bụng” hơn nhiều công nhân viên ở thành thị. Nhu cầu của cái bụng vẫn còn hơn cái đầu ; cái cơ bắp hơn giá trị tinh thần, trí tuệ, văn hóa. Cuộc sống hàng ngày ngoài gạo, mắm phải chạy ở chợ, còn rau, củ, thịt, cá…”tự túc” để “tự cấp”, cải thiện . Có những lúc tôi và một vài người bạn đi công tác cũng “nhờ thêm” của cải ”tự cấp” ấy cùng với chung rượu mà cảm thấy đời có vui lên…Cái nhốn nháo của xã hội ngày càng “bục” ra!. Rồi, lại “khí khái” của ” kẻ sỹ”, không chấp nhận được cái môi trường thiếu lành mạnh cả về giáo dục và sư phạm, thiếu lành mạnh cả về tri thức và nhân cách, cả mấy người bạn cùng thời, dù đang làm công tác quản lý… rủ nhau -Nghỉ! Về ( đi thôi!)…đi cuốc đất thuê! Không muốn cầm phấn bây giờ cấm cuốc! Chẵng phải cuốc cho mình mà đi cuốc thuê. Bỏ ra cái sức cơ bắp, “thanh thản tâm hồn” bằng lao động chân chính để kiếm cái ăn, cái mặc còn hơn “đánh đĩ” trí thức; tự biết rằng chẵng bao giờ giàu có nhưng được là giàu tâm hồn, giàu nhân cách, biết “sỹ”, biết “liêm” hơn rất nhiều kẻ “kinh doanh” bằng chữ ký, đi bằng miệng như con ốc sên, hót hay như con sáo, không có “sỹ”, có “liêm” nhưng miệng luôn nói đến công bẳng, liêm, sỹ, chí công vô tư, vì dân, vì nước…Nói “thanh thản tâm hồn” là được xa cái môi trường không làm cho tâm hồn thanh thản nhưng nhìn những cảnh đời và xã hội thì vẫn lắm nổi đau đời lắm chứ!….Nhiều người nhìn vào … chê bai, cho là kẻ “ngu ngốc”, “lập dị” (!)... Đúng- một anh chàng “lập dị”, quá thật thà, khờ dại, thiếu “khôn ngoan”.. nhưng dù sao, sống với con người, với đời bằng cái tâm chân thật là…quá quý rồi. Mong sao trong xã hội ngày nay ngày càng có nhiều người có Tâm chân thật. TÂM -CHÂN-THẬT, TÂM SỐNG SÁNG! -Tâm sáng- sáng tâm!
@
Gần trọn đời đi dạy học. Cả gia đình hai bên chống vợ hầu như tất cả đều làm nghề giáo. Hai con gái giờ đã lớn, tiếp tục nghề của Bố, Mẹ, nay đã là những cô giáo dạy cấp 3…Ông thầy giáo trẻ trung, nhiệt tình, luôn lăn xã vào công tác xã hội, sống với bệnh nhân “cùi”, luôn vì người khác ngày nào…bây giờ vẫn chân chất, có chút ” cù lần” (vì … “dại, khôn”) ở nhà, hàng ngày “làm nội trợ” và chăm cháu ngoại. Những bạn thơ, nhạc, tri kỷ…lâu lâu lại gặp nhau nhưng hội hè thì lại không thích. Thời gian của ngày luôn suy tư về gia phận, cuộc sống con người, đạo lý của đời, cuộc sống Tâm linh!.
Con đường …vẫn còn dài…Những gì tự Quay về của hôm nay sẽ là “vốn” cho ngày mai!….
Tôi nghĩ rằng, Đời vẫn luôn cần những tấm lòng- tấm lòng trắng trong -dù hôm nay còn nhiều rẻ rúng…!- “Tố Tâm”!