Thứ Năm, 4 tháng 10, 2007

Con đường lớn


Nhiều người đi tạo thành đường!

Có những con người thật vĩ đại

tự thiết kế con đường mới

Đường mới cứ làm

Làm tới làm lui

Cứ ủi, cứ đào

Cứ đào, cứ ủi

Đường không thành đường,

Lối không thành lối

Chân bước lui nhưng cứ vẫy cờ hô hào đi tới…

Có những con đường đã có người đi

Đường rộng lớn

Thênh thang hơn tám bước

Đường xa lộ, siêu tốc

Xe Nhật, xe Pháp, Anh, Mỹ, Ý, Đức

Cả Thái lan, Hàn quốc,

Đường rộng

Phom phom

Đường quá nhiều người đi

lâu ngày chằng chịt ổ gà, ổ trâu, ổ voi

Nhà thiết kế vĩ đại

Chỉ duy tu thôi

Nhưng cứ vá rồi lại hỏng

Hỏng rồi lại vá

Vá, hỏng, hỏng , vá

Sức dân phu

Sá gì

Tần Thủy Hòang xưa đã từng xây Vạn lý

Nhìn con đường nham nhở như mặt Thị Nở

Thật xứng đôi-đã có Chí Phèo yêu…

Nhiều người đi tạo thành đường

Đường nhân loại, nhân dân bao giờ cũng là con đuờng lớn!

Nghĩ về dòng chảy dòng sông...phố hoa .1


1.Giao thông như nước của dòng sông, có thông thóang mới có dòng chảy bình thường, mới có dòng nước sạch trong, nếu ngăn lại như ngăn đập thì sẽ tạo nên hồ, một cảnh quan văn hóa , hoặc tạo nên nguồn nước cho dòng điện sáng, cho hoa tươi màu, rau xanh sạch, cà phê, chè, đồng ruộng lúa xanh tươi… Ngăn chặn dòng giao thông để làm “phố đi bộ” có tạo nên Hồ, thành dòng điện sáng, con nguời thêm đẹp, hoa thêm thắm, rau màu thêm xanh…!? Đã hơn 3 năm qua, Đà lạt thành phố Hoa, thành phố nổi tiếng của cả nước cứ tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần lại có “phố đi bộ”! Phố ấy có tạo nên dòng sông êm đềm, thơ mộng, như cuộc sống xã hội yên bình, hiền hòa như nhân dân Đà lạt đợi mong!
Đề hình thành nên phố đi bộ, những nguời có thẩm quyền đã khoanh lại đọan đường Nguyễn Chí Thanh, vòng Khu Hòa Bình, Lê đại Hành, Nguyễn thị Minh Khai- đường vào Chợ Đà Lạt … làm phố đi bộ.
“Phố đi bộ” hình thành bởi sự be đập đầu dòng những đọan đầu mỗi con phố để cấm xe, dành đường xe cho người xuống đường đi bộ. Xe không được vào đứng tràn lùi ra sau. Đoạn đường đông người đi lại như ở đầu đường Lê đại Hành lên trung tâm Hòa bình; đường Nguyễn thị Minh Khai vào chợ Đà Lạt . Là đường vào phố chợ nên thường đông người, nhiều xe…Mỗi khi ngăn đập bằng những Ba ri-e kiểm soát bởi công an và đội dân phòng, xe, người đứng tràn ra, như hai chận đập kéo dài nhưng không tạo nên thế vững chắc. Đó là những người chạy không kịp đã vào chợ muộn, xe cấm vào nên đứng chờ đón nguời thân đi bán, đi chợ về; những nguời hành nghề xe ôm, xe ta xi; những xe đạp đôi chạy loanh quanh, loạng quạng…Dù sao cũng trật tự hơn hơn thời nhân dân xuống đường đấu tranh dòi dân sinh, dân chủ bị cảnh sát dã chiến Sài gòn rào kẽm gai ngăn chặn!
2.Tôi có lẽ là khách thường xuyên của phố đi bộ! Cuộc sống còn nhiều vất vả nên cũng luôn được hưởng sản phẩm văn hóa đặc trưng của thành phố! Cứ đến tối thứ bảy, chủ nhật, làm gì thì làm, có bận việc cũng phải bỏ để lo chạy xe cho kịp vào chợ trước giờ be đập cấm xe để chờ đón vợ và chở hàng còn ế đi bán về buổi tối, nhiều lúc vội vàng cũng sợ sự cố giao thông nhưng vì “phố` đi bộ” nên phải tăng ga mà chạy, nếu trễ, không mang xe vào được mà đứng chờ cũng khổ, không biết gửi xe đâu nhưng vất vả nhất là mang, xách những thùng hàng nặng từ trong chợ để ra bên ngoài bờ đập, vòng bồn phun ước cầu Ông Đạo để được đèo hàng đi về…Cứ thường xuyên được dạo phố đi bộ mà thuơng cho vợ, cho mình!. Người ta đi dạo, đi chơi, nghêng ngang đường phố, mình thì phải còng lưng xách hàng, đẩy xe..Ngày xưa cùng nhân dân đấu tranh để đòi quyền dân sinh, dân chủ, độc lập, tự do ngày nay, chính quyền đã về “tay nhân dân”lại được quyền sống như thế này? Chính quyền “của dân, vì dân” có phải của mọi công dân hay dành riêng cho ai? Người lao động thời nào cũng khổ! Nhớ ngày nào khôn xiết hân hoan khi phố phường rợp bóng cờ bay, “những ước mơ ngàn năm nay đã tới”, ngỡ rằng cuộc đời của gia đình, bản thân mình sẽ được đổi đời dù khi ấy, có nghề nghiệp trong tay, chẵng ngại hy sinh, không sợ tù đày, sẵn sàng cống hiến tất cả đời mình cho lý tưởng, ước mơ, chẵng quản ngại việc gì khi cách mạnh yêu cầu mong đờI mình và cuộc sống xã hội tốt đẹp hơn. Cả ngày lẫn đêm lao vào công tác, chuyện yêu đương gác lại phía sau! Từ tự vệ thành, phát động thanh niên, xây dựng chính quyền cách mạng, bồi dưỡng, đào tạo cốt cán, tuyên truyền văn hóa mới cách mạng, xây dựng, tổ chức lực lượng đoàn thể nhân dân, làm an ninh trong những cuộc mít-ting toàn thành phố…Những khen thưởng thành tích hoạt động công tác sau ngày giải phóng, Huy chương kháng chiến…vẫn thua “chủ nghĩa lý lịch”!. Cả cuộc đời gần 40 năm công tác những chủ nghĩa lý lịch vẫn đeo dai dẵng, gần đến ngày nghĩ hưu lý lịch “vẫn không rõ ràng”, trong khi, cả cuộc đời lớn lên cùng thành phố-vẫn nhà ở cũ, vẫn cô, thầy, bạn bè xưa, tất cả vẫn còn đó…Có lẽ, chính quyền thành phố ưu ái cho mình được sống với phố đi bộ để thấm hơn ước mơ đổi đời so với cuộc sống ngày xưa!

Nghĩ về dòng chảy dòng sông...phố hoa .2


2. Những năm trước ngày được “giải phóng”, chợ Đà lạt là một trong những trung tâm đấu tranh cách mạng của nhân dân thành phố! Lực lượng tiểu thương chợ Đà Lạt là “hậu phương” cho các lực lượng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, đòi hòa bình, tự do, độc lập! Không có lực lượng ấy những cuộc đấu tranh như những thời kỳ năm 1963, 1966, 1971…khó mà có thắng lợi, tạo nên sự lan tỏa, duy trì lực lượng cho đến ngày ”chính quyền về tay nhân dân”!. Tiểu thương chợ Đà lạt ngày ấy đều là những người lao động nghèo khổ, cũng là một trong những lực lượng đi đầu đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh ! Những người mẹ, người chị sao mà dũng cảm, mưu trí, năng động… Một người hô trăm người hưởng ứng, tự giác, tự nguyện tham gia vào mọi cuộc sống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”., chống sưu cao, thuế nặng, đòi hòa bình, độc lập, dân chủ, tự do, cơm áo …!
Chợ Đà lạt xưa cũng là một công trình kiến trúc đẹp, nổi tiếng, đặc trưng của thành phố. Là nơi tụ hội đông nguời, nhà kiến trúc, quy họach đã tạo nên cảnh quan thông thoáng, không có những nhà phố, nhà hàng, khách sạn cao tầng mọc lên bao che chung quanh. Chợ có đường đi bộ, lối đi xe, có đường tránh, đường thoát… .Ngày nay, “tất đất, tất vàng”, những đường ấy đều đã bị xóa. Đường đi, lối lại chỉ còn một con đường độc đạo, cứ tối thứ bảy, chủ nhật lại cấm xe để làm “phố đi bộ”, nhiều người quan tâm đến cuộc sống xã hội lại lo, nếu không may khi chợ có sự cố, đông đúc người mua, kẻ bán,, nhiều xe cộ vô ra …thí lúc đó không biết cái gì sẽ xảy ra ..?…
Ngày hôm nay, thời thế có khác, chúng ta đã có chính quyền “của dân, do dân, vì dân”!. Những người lao động nghèo khổ buôn gánh, bán bưng, 6 giờ tối mới được xuống đường ngồi hai bên lề đường phố chợ để buôn bán …Chợ bây giờ mở rộng hơn, người buôn bán đông hơn và người buôn bán lề đường phố chợ cũng nhiều hơn, thậm chí cũng có “ca”… Các nhà quản lý đô thị có lẽ cũng đã thấy như vậy là không đẹp, chưa được văn minh nhưng vì cuộc sống của nguời lao động nên …cũng phải “ra tay cứu giúp”! Cuộc sống gia đình tôi cũng nhờ được ân huệ ấy chứ với đồng lương không đủ nuôi một con ăn học thì phải sống làm sao! Cái gì nhìn lâu ngày cũng thành quen ! NgườI lao động tiểu thương, có lẽ hàng năm không có ngày nghỉ! Chị em tiểu thương có sạp hàng buôn bán nhờ có “phố đi bộ” nên thứ bảy, chủ nhật được nghỉ ngơi sớm hơn; những “tiểu thương” buôn gánh, bán bưng càng phải bương chải nhiều hơn, cày cục vất vả hàng ngày để lo cho cuộc sống gia đình, lo cho con cái có cái ăn, cái học mong cho thế hệ mai sau của họ đỡ vất vả hơn, và, dù sao họ cũng có chút an ủi –những người lao động nghèo -cả người mua và người bán -mình phục vụ cho nhau, (!?).
Phố đi bộ ắt không phải dành cho nguời lao động nghèo, cũng chưa hẳn là dành cho người dân thành phố..! Tất cả vì sự nghiệp du lịch! Những ngày đầu khi mới ban hành chủ truơng”phố đi bộ”, sinh hoạt bị xáo trộn, nhiều tầng lớp nhân dân cũng có ý kiến đề nghị chính quyền, hội đồng nhân dân TP xem xét lại có nên hay không nên hình thành “phố đi bộ”, cần tổ chức như thế nào cho hợp lý, phù hợp với cuộc sống sinh hoạt bình thường của nhân dân…nhưng, thương cho những ông quan thường hay bị bệnh “lổ tai” cho nên đến hôm nay, dù sao chính quyền thành phố cũng đã duy trì được một nếp sống văn hóa mới: “ phố đi bộ” nhưng người dân thì không gọi như vậy, họ gọi đó là: phố …“cấm xe”! .
-Phố cấm xe vì đường phố ấy chỉ có thể đi bộ! Phố đi bộ vì không thể đi xe!. Mỗi đuờng phố trong thiết kế xây dựng đều dành những phần đường riêng cho người đi bộ và đi xe. Giao thông đô thị quy họach, xây dựng để đàm bảo cho cuộc sống, sinh hoạt bình thường của xã hội, cho mỗi con người được sống an tòan, sống đẹp, sống có văn hóa, “mình vì mọi người”, làm chủ, gìn giữ, xây dựng ngôi nhà thành phố!.Thành phố Hoa hôm nay có phố đi bộ! Phố ấy không chỉ là nơi buôn bán, mà hầu như là nhà ở của nhân dân với mọi sinh hoạt bình thường cuộc sống!

Nghĩ về dòng chảy dòng sông..phố hoa .3


3.Phố cấm xe của thành phố Hoa hàng tuần những đêm thứ bảy, chủ nhật có bao nhiêu nguời đi bộ(?), bình thuờng cũng không đông người, đường phố rất là thông thóang nhưng được là tạo nên chổ chơi cho trẻ em vì Thành phố Du lịch nên hình như chủ yếu…dành cho người lớn, trẻ em muốn tìm một chổ chơi cũng rất khó. Người lớn, ngoài các nhà hàng, quán nhậu, tiệm cá phê, quán Karaoke.. thì, công viên, ghế đá, so ra cũng khá nhiều nhưng có lẽ dành cho những cặp tình nhân... Công viên lớn nhất của Thành phố, nét độc đáo của thành phố - Đồi Cù đã được Nhà nước cho thuê để kinh doanh rồi. Có lẽ, đời sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân không bằng việc kinh doanh, kinh tế..! Cuộc sống xã hội, dù bất cứ đâu huống gì là thành phố Du lịch có tiếng nên Lễ, Hội là sinh hoạt như dòng chảy bình thường của dòng sông. Những lúc Lễ Hội, không chỉ thứ bảy, chủ nhật, đông đảo du khách và nhân dân đổ dồn về trung tâm thành phố, phố cấm xe không bị cấm và không thể cấm nếu cấm thì tạo nên bất bình thuờng của dòng chảy và càng dễ vỡ bờ! Đối với cuộc sống của dân Đà lạt từ xưa đến nay thường những ngày Tết, Lễ, Hội việc cấm xe ở một số giao lộ, những chổ đông người là bình thường, ai cũng thấy là cần thiết vì cần cho dòng chảy giao thông được thông suốt, công việc ấy cũng chẵng đòi hỏi sự tài ba gì trong quản lý đô thị. Con người cộng đồng trong cuộc sống xã hội bằng nếp sống bình thường, có văn hóa, tôn trọng trật tự chung, vì nhu cầu và lợi ích chung, tham gia hoạt động chung của xã hội, người dân cảm thấy như mình là người chủ , còn những cuộc “trình diễn văn minh đô thị ” đó có phải là dân chủ, văn hóa, văn minh!?.
Phố đi bộ nếu tạo nên cuộc sống xã hội yên bình, hiền hòa như dòng sông êm đềm, thơ mộng thì đúng là thành phố du lịch, văn hóa, văn minh và con người Đà lạt cũng xứng danh” hiền hòa, thanh lịch, mến khách”! Những phẩm cách ấy của con người Đà lạt chỉ thật sự có khi nhân dân thật sự là người chủ thành phố với đầy đủ quyền của con người công dân! Vì sao khách Du lịch đến thành phố vẫn thường hay bị” chém đẹp” cả ăn, ở, vui chơi, đi lại? Sức hấp dẫn của cảnh quan du lịch Đà Lạt không còn thu hút khách du lịch như xưa? Rừng và màu xanh thành phố như nhạt màu hơn, con người Đà lạt nét dịu dàng, thanh lịch xưa dường như cũng tăng ngược theo nhiệt độ ngày càng tăng lên của Thành phố …-” Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” và nói như Mác-” Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”! Đảng, Chính quyền Tỉnh, Thành phố nghĩ gì?!

Nghĩ về con người Đà Lạt



Đà lạt đã 110 năm hình thành và phát triển, con người Đà Lạt cũng qua ngần ấy chiều dài lịch sử để xây dựng nên thành phố và cũng từ đó đã hình thành nên chính mình – con người Đà Lạt !

...Ngoài con người bản địa – dân tộc Mlạt- K, Ho sống gắn với buôn làng, rừng núi, những con người lao động Việt Nam từ các miền đất nước – Thừa Thiên, Nam Ngãi, Bình Phú... đã đến Đà Lạt làm phu, mở đường xây dựng nên nơi nghỉ dưỡng của quan chức thực dân Pháp,”Hoàng triều cương thổ “ của triều Nguyễn, những con người ly hương đến vùng đất mới tìm sự sống, tạo nên cuộc sống trong bầu trời thiếu ánh sáng Độc Lập –Tự Do ...Những đường ray, đường hầm xe lửa, đèo Ngoạn Mục, Prenn...lên Đà Lạt; Những con đường Triệu Việt Vương, Trần Hưng Đạo , Trần Phú ... hôm nay, những Dinh I, Dinh II, Dinh Bảo Đại, Đà Lạt hotel , Palace, Đồi Cù; Những trường Đoàn Thị Điểm, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân..; Chùa Linh Quang, Linh Sơn, Nhà Thờ Lớn ...Con người lao động xây dựng nên cơ sở vật chất của thành phố và cũng đã xây dựng nên những giá trị văn hoá tinh thần cho cuộc sống Tâm linh con người !...

Khí hậu thiên nhiên ưu đãi cho con người Đà Lạt hôm nay nhưng khắc nghiệt cho con người Đà Lạt ngày xưa xây dựng nên thành phố bằng cuộc sống cơ hàn! Trời Đà Lạt lạnh giá! Hoa mai, Mimôza...đỏ, vàng thấp thoáng trong ngàn thông, ẩn mình trong những ngôi biệt thự, nhưng con người Đà Lạt thuở ấy có đủ mảnh vải che thân, miếng cơm ấm bụng ?! Đắp đập ngăn dòng suối Cam Ly, mặt nước Hồ Xuân Hương trong xanh từ đó! Rồi phố phường ngày mỗi mọc lên, lớn dậy, vươn lên trong những đầm lầy, thung lũng, ven đồi; Những thảm xanh của rau , hồng , vàng, đỏ, trắng... của Hồng, Lan, Mai, Cúc...mỗi ngày như nở một nụ cười tươi yêu cuộc sống ! Con người Đà Lạt đã làm nên tất cả cho thành phố của mình ! Có Hà Nội mùa thu tháng tám, trời Đà Lạt cũng xua áng mây mù! Có chiến sĩ sông Lô, sông Đuống... Đà Lạt cũng”dậy sóng Hồ Xuân Hương “; Rồi Huế, Sài Gòn... vươn vai đứng dậy, Đà Lạt cũng rầm rập xuống đường tranh đấu ! Đà Lạt cũng hoà nhịp với bước đi trong chiều dài hơn trăm năm của lịch sử đất nước! ...

Đà Lạt đã đi qua 110 năm, 5 thế hệ con người Đà Lạt cũng đã đi trong chiều dài hơn trăm năm lịch sử và từ đó cũng đã hình thành nên những phẩm chất của mình – phẩm chất tâm hồn con ngưòi Đà Lạt !

Phải chăng những thảm rau xanh, những vườn hoa đầy màu sắc, thắm hương giữa lòng thành phố, trên những ven đồi, những ngôi biệt thự nằm trên những đồi núi thấp thoáng giữa ngàn thông, hài hoà với thiên nhiên, mỗi người mỗi vẻ, dọc các con đường Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Quang Trung... đã thể hiện nên những nét tài hoa của con người Đà Lạt, con người yêu lao động, cần cù, thông minh, lao động có kỹ thuật, nghệ thuật ... qua đó đã hình thành nên những nghề truyền thống của mình -tranh cưa lọng, chạm bút lửa, trồng rau, trồng hoa, đan, thêu , ...! Sống trên cao nguyên lạnh giá, sương mù của ngày đầu xây dựng, sống tha hương, rời quê cha, đất tổ từ mọi miền đất nước về đây hoà trong cuộc sống cộng đồng làng, nước ở vùng đất mới xa xôi, khí hậu trong lành, trời đất im ắng...phải chăng đã tạo nên con người Đà Lạt phong thái lịch sự, nhã nhặn, chân thật, mến khách, hiền lành..., cách ăn mặc kín đáo, giản dị, màu sắc dịu dàng ấm áp, hài hoà cùng các màu xanh của núi, ngàn sắc của hoa!!.Và có lẽ, Đà Lạt, một miền đặc trưng của cả nước-con người Đà Lạt có thể nghe-hiểu giọng nói của mọi miền đất nước và trong giọng nói có sắc âm riêng của mình-giọng Đà Lạt ! Phải chăng trong giao tiếp mỗi người từ giọng nói từng miền quê gốc của mình –Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hà Đông, Nam, Ngãi, Bình, Phú...đồng thời cộng hưởng không gian, pha màu thời gian, chan hoà với nhau trong giọng nói để cho nhau thông, cảm và hiểu !...Rồi qua nhiều thế hệ, con người Đà Lạt đã hình thành nên giọng nói của mình !?Và có thể nói thêm, giọng con người Đà Lạt, trong âm nhạc cũng mang màu sắc Đà Lạt !Người bản địa của Đà Lạt là dân tộc K’ho nhưng những làn điệu dân ca K’ho lại không biểu trưng cho âm thanh, tiếng hát, thấm đậm tâm hồn người Đà Lạt; Dù Đà Lạt là xứ của hoa Mimôza, Mai Anh Đào nhưng âm nhạc cũng không mang màu sắc hoa Anh Đào của xứ Phù Tang! Trong âm thanh nhiều giọng nói của mọi miền đất nước có âm thanh, giọng nói của người Đà Lạt; Trong bức tranh nhiều màu sắc riêng ấy hài hoà trong màu sắc chung của đất nước!

Qua lao động xây dựng nên cuộc sống vật chất con người Đa lạt cũng hình thành nên phẩm chất tâm hồn, cuộc sống tâm linh và các giá trị cuộc sống tinh thần, đó là những giá trị đạo đức truyền thống của con người Việt nam-trọng nhân nghĩa, yêu đất nước, yêu con người, yêu cuộc sống, có thuỷ có chung, tin vào các giá trị thiêng liêng..Bởi vậy, văn hoá Đình, Làng của các miền đất nước vẫn sống trong từng cộng đồng dân cư Đalạt, và những ngôi Chùa, Nhà thờ.. cũng được xây dựng trong Tâm hồn của mỗi con người và trên từng vùng đất người Đa lạt lập nghiệp, sinh sôi..!

Những tính cánh, phẩm chất Tâm hồn con nguời Đa lạt đãvà đang hình thành làm sao nói hết được !

Một trăm mười năm qua đi, con người Đa lạt đã lớn lên cùng với bầu trời trong xanh đất nước, con người Đa lạt đã xây dựng, “hình thành” nên thành phố hôm nay! Kỷ niệm, nghĩ về 110 năm Đa lạt hôm nay, Thành phố có nhớ đến con người Đa lạt hôm qua(!)và làm gì cho con người Đa lạt hôm nay và ngày mai”phát triển” vững bước đi vào Thiên niên kỷ mới cùng đất nước và nhân loại !

Đôi điều tản mạn về xứ Hoa Đào



I. ‘Ai lên xứ hoa Đào, dừng chân bên Hồ nghe chiều rơi!..” lời một bài hát của Hoàng Nguyên, dù là tâm tình một khách lãng du nhưng làm người Đa lạt yêu Đa lạt hơn, đến nay vẫn còn sống trong mỗi người con Đà lạt và những ai đã sống một thời của “xứ Hoa Đào”.!..

Thành phố Hoa Đào – với loài hoa Mai anh Đào hồng thắm, người dân hay gọi là Hoa Mai! Mai Đà lạt màu Hồng khác với các loài Mai của xứ khác..Trước đây, khách du đến Đà lạt, nhất là vào mùa Xuân, hoa Mai Anh Đào nở rộ từ khi bước chân vào cửa ngỏ Thành phố! Mai nở trên các nẻo đường, màu Hồng thắm như màu Hồng trên đôi mà Hồng cô gái Đà lạt!Hoa nở ven Hồ Xuân Hương, lên phố Hoà Bình, khắp các phố, phường, trong những vườn -nhà...Màu Hồng đẹp thắm thấp thoáng trong ngàn thông, hoà cùng màu trời xanh thắm, long lanh, xao xuyến cùng mặt nước Hồ xuân Hương...Một thành phố trên Cao! Đường khi đi lên đồi, lúc xuống dốc, từng nhà ẩn, hiện trên đồi hay dưới thung sâu ! ...Hoa trên khắp phố, trong mỗi ngôi nhà. Hoa trồng thành vườn, màu sắc không nơi nào thắm hơn, đẹp hơn.!..Thành phố Hoa nhưng không phải loài hoa Phượng Tím! .. Hoa trong mỗi Tâm hồn con người, trong mỗi nhà, trên mỗi phố..! Sắc hoa Mai Anh Đào thắm những người con Đà lạt đi xa, ai cũng hoài nhớ, không quên..!Đa lạt như một bức tranh thuỷ mạc được vẽ nên bởi thiên nhiên và con người- những con người Đà lạt mọi miền đất nước hội về, nhận Đà lạt là quê hương, sống, yêu, gìn giữ!...Yêu quê hương phải chăng yêu từng tất đất, ngọn cỏ, cành hoa, dòng suối, mặt hồ; yêu những giá trị lao động con người bao thế hệ đã làm nên, thăng hoa thành những giá trị tâm hồn, đời sống tâm linh, những giá trị tinh thần trong cuộc sống !?!.

II. Đà lạt xưa có thể không bằng Đà lạt nay nhưng không có Đà lạt xưa không có Đà lạt nay! Không ai phủ nhận điều đó, nhưng, làm sao nhận thức đúng, giữ gìn và phát triển cho Đà lạt là Đà lạt hài hoà với cuộc sống Đất nước- Con người hiện đại?! Có Đất có Người, có Người có Đất! Đất và Người không thể tách khỏi nhau! Hai mà Một! Đà lạt hợp bởi dân của mọi miền đất nước theo cùng chiều dài lịch sử hơn 110 năm, qua hơn 5 thế hệ! Là đất mới(!) (so với người Kinh!) nên nhiều người có suy nghĩ -không ai gốc là dân Đà lạt cả ngoại trừ dân bản địa (!).-Đà lạt, vậy, chẵng phải riêng ai! Ai cũng là người Đà lạt(!) va, phải chăng - Đà lạt cũng chẵng của ai?- Người đã tách khỏi Đất! Quan niệm đó đã dẫn đến những suy nghĩ, đối xử không đúng với Đà lạt! Những “thành tích” của mấy mươi năm qua “đối xử” với cảnh quan, môi trường, kiến trúc đô thị Đa lạt..đã thể hiện!

Khi Người không nhận Đất-Đà lạt là quê hương, là “nơi ở, chốn về” thì ai giữ gìn, dựng xây cho Đà lạt?! Dù là một phần đất của nước Việt nam, Đà lạt là của mọi người Việt nam nhưng với mỗi con người-“Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở”, Đất với ta là Một. Đất sống cùng ta, ta sống cùng đất, có vậy, con người mới yêu đất, yêu quê! Đất vẫn biến thành tâm hồn khi ta ở – Đất linh(!), chứ đâu phải- “khi ta đi... ”! Có người Việt nam nào sống không yêu đất, yêu quê! Quê của mỗi người cũng đâu chỉ là nơi “ chôn nhau, cắt rốn”, “Quê Cha, Đất Tổ”, Quê của mỗi người còn là nơi Đất Ơ Cùng Ta!

Đà lạt còn, có ngày hôm nay trên mỗi tất đất của Đà lạt còn thấm những máu, mồ hôi của bao thế hệ những con người Đà lạt, thậm chí, có những con người chưa kịp nhận Đà lạt này là quê hương!

Hãy sống, nhận Đà lạt là quê hương! Sống trọn vẹn bằng chính cuộc sống đời mình trên quê hương Đa lạt! Yêu quê hương và gìn giữ nó! Hãy sống với Đa lạt bằng Tâm hồn, đừng sống trên đất Đa lạt như kẻ nhàn du, người khách lạ! Người lãnh đạo Thành phố là người yêu Đa lạt hơn bất cứ con nguời Đa lạt nào khác, Đa lạt mới là Đa lạt của con người Đa lạt, của mỗi con người Việt nam !

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2007

Chiều thứ sáu...

Chiều thứ Sáu
Ôi những chiều thứ Sáu
Đến thăm Em
Tim hót điệu rộn ràng
Có những lúc
Tim sầu điệu vấn vương..
Chiều thứ Sáu
con đường buồn
lặng lẽ...
Chiều thứ Sáu
Ôi! điệu buồn
thương nhớ...
1971...

ngày xưa....

Ngày xưa em cắt tóc thề
Biết rằng em sẽ không về cùng anh
Tình yêu dù có mong manh
Nhưng nguyện thề sẽ yêu anh trọn đời
Quê hương, phận nước, phận người...

Mùa xuân nho nhỏ

Một mùa xuân nho nhỏ
Một tình yêu quê hương
Một khúc tình ca nho nhỏ
Gửi người em yêu thương…
( Xuân Bính Tuất-06)

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2007

nhớ (2)

Ta biết em buồn ta chẵng vui
Xa nhau gần đã nửa cuộc đời
Gần nhau gần lắm...trong tâm tưởng
Quay về ta sông trọn niềm vui…

Có nhớ về nhau, nhớ về nhau
Dù cách ngăn nửa quả địa cầu
Em ơi xa lắm nhưng gần lắm
Xa, gần đừng để xót xa nhau...

nhớ

Có thể em không nhớ
Nhưng anh vẫn cứ chờ
Sáng, Chiều ..không ra ngõ
Khi thời gian chưa qua!..

Có thể em luôn nhớ
và biết anh mong chờ
Hôm nay duyên chưa có
Trời chiều cứ...đong đưa

Sáng qua em không nhớ
Chiều qua em cũng không
Sáng nay không thật nhớ
Chiều nay có nhớ không?!

Nhớ em nhớ thật nhiều
Nhớ!...chỉ nhớ người yêu
Thôi! Có xa mà nhớ!
Gần rồi, lại cứ yêu!

Bang khuang


Đôi mắt em chớp nhẹ
Trên môi thoảng nụ cười
Tâm hồn tôi gợn sóng
Xao xuyến quá đi thôi...

-Ô hay! từ đâu lại
Em sưởi ấm lòng tôi
Một đêm dài mơ tưởng
-Em đã đến đây rồi!?

Em hát tặng tôi bài ca
Giữa đám học trò thơ dại
Tôi lặng im... không tiếng nói..
Từng lời, Chim hót thiết tha...

Tiếng ca em ngọt quá
Tôi muốn uống đôi môi
Em mỉm cười từ giã
Bâng khuâng, tôi gượng cươì..

Em bước đi xa dần
Âm vang từng bước nhẹ
Như nhịp tim tôi khẻ
-Vọng thoảng tiếng ai ca....
14/01/74 PH