Thứ Năm, 14 tháng 2, 2008

Nhớ lại một mùa xuân quê hương

1. Vậy mà đã 40 năm trôi qua! Xuân Mậu Thân 1968 -Mậu Tý 2008. 40 năm trôi qua biết bao nhiêu là thay đổi… Xuân năm đó tôi chưa qua tuổi trăng tròn.. Một mùa xuân bình thường như bao xuân mà tuổi trẻ học sinh cuối cấp 2 ( lúc đó gọi là đệ nhất cấp) vẫn mong Tết đến để nghỉ học, đi chơi, để có tiền”lì xì”…như bao trẻ con VN. Chiều mùng một Tết với bạn bè cùng lứa, cùng xóm rủ nhau đi chơi Xuân. Gọi là “đi chơi xuân” chứ chỉ khác bình thuờng một chút là có “ăn mặc đồ mới”, còn ”đi” thì cũng loanh quanh. Nhìn người. Ngắm phố rồi rủ nhau đi “ăn tiệm”, đi uống, chơi vui… Phố xuân vui, thanh bình. Chiến tranh ở đâu đó gần mà xa. Đêm đêm vẫn có tiếng đại bác từ trường Võ bị bắn đi. Thời chiến lính tráng xóm làng nào mà chẵng có. Sống trong chế độ nào thì phải phục vụ cho chế độ đó, phải làm nghĩa vụ người công dân…

2.Tối mùng 2 tết Mậu Thân cả nhà đang say giấc bỗng đâu tiếng súng nổ ầm trời. Cả xóm cùng thức dậy. Ai nấy ra khỏi nhà để nhìn hướng khói lửa, súng nổ, đạn bay. Súng nổ xa ở tận trên số 4, Bạch Đằng, Đa Trung, Đa Cát. Rồi, hình như cả ở Khu Hòa Bình- trung tâm thành phố. Xóm làng ai cũng lo sợ. “Việt cọng” đã đánh vào thành phố. RồI, cả khu vực đường Pasteur-Tòa Án ( Lê hồng Phong hiện nay) nhiều nhà đã bị cháy. Súng nổ như gần kề.! Nhà tôi ở, trước mặt cách non cấy số là dinh Bảo Đại ( Dinh III);bên trái có những trại lính Quân cụ, Truyền tin, sát rừng Suối Tía, Núi Voi; Phía bên tay phải cách thung lũng Dốc Nhà Bò là Tiểu Khu . Có lẽ không thể ở tại nhà được nữa. Lửa đạn như thế này có thể cả xóm lại thành chiến trường…. VC có đánh nhanh, rút nhanh hay như thế nào (!?)….Với tuổi mới lớn, chỉ biết ăn, học, chẵng biết gì về chiến tranh nên… cũng sợ! ! Tuổi nhỏ cũng vô tư, vừa háo hức muốn biết “2 phe” đánh nhau như thế nào và cũng dễ mệt mỏi, sau đó … ngủ thiếp lúc nào không biết …Qua ngày sau, tiếng súng tiếp tục nổ. Tiếng đại bác, tiếng bom hầu như khắp thành phố. Một số gia đình phải đi lánh nạn. Gia đình tôi cùng 5,6 gia đình đã tạm lánh xuống Chùa Sư nữ Ngọc Cảnh. Chùa ở khuất bên đồi, trước mặt nhìn qua cách thung lũng là Nghĩa địa Tây, Ty cảnh sát, Nhà thờ lớn, cách xa tiểu khu, xa Dinh 3 Bảo Đại, xa các trại lính…một chút. Tôi cùng vài bạn bè cùng lứa cũng chẵng biết gì. Sợ thì cũng sợ nhưng cũng thích xem khói lửa, máy bay , đạn pháo đang đánh, đang nổ ở đâu .. Nhìn để mà nhìn. Những chiếc máy bay oanh tạc… Khói bay. lửa cháy !Tiếng súng cứ nổ rền trờI, lại có những lúc im ắng rồi tiếng súng tắc cú, tiếng liên thanh rền vang. Chiến tranh đã tràn khắp thành phố Đà Lạt. Người chết. Nhà cháy, có những khu nhà cháy mấy ngày trời còn trơ lại vách đá khói đen…. Những ngày sau đó tiếng súng im ắng dần. “VC” đã “rút lui”! Gia đình tôi trở về nhà…Nhà cửa vẫn bình thường! Chiến tranh đã vào thành phố có còn tiếp diễn? Nhiều nhà lo sợ bắt đầu đào hầm trú ẩn nhưng…cũng chỉ tạm bợ..”Sản phẩm” của chiến tranh vẫn còn. Nhiều đứa nhỏ hơn tôi đi chơi lượm những trái đạn M79 …đã bị nổ… Chết chóc vẫn tiếp theo sau trận chiến!.

3..Xuân Mậu Thân đã không có Xuân! Những ngày sau nhà tôi nghe thông tin trên Radio biết rằng “VC” đã tấn công hầu như vào tất cả các đô thị Miền Nam. Rồi, tin tức về những sự “khủng khiếp” tại “Thủ đô Sài Gòn”, nhất là tại Thành phố Huế… Tin tức cứ “tràn về” qua những câu chuyện nghe lỏm và chúng bạn kể .Nghe, thì cứ “chỏng tai” mà nghe cùng với những “ấn tượng”khó phai! Sợ. Thù. Chán ghét chiến tranh ! Tuổi nhỏ như tôi lúc đó nghe đến VC thì sợ; nghe kể về VM thì thích; nghe kể chuyện kháng chiến …thì ưa!. Chiến tranh vẫn là chiến tranh!. Trong những tháng ngày sau Tổng công kích Mậu Thân ấy tôi đã thấy “Việt cọng”. Chính quyền đã “ triển lãm” 3 tù binh VC đặt ngồi trên nóc Khu Hòa bình. Bọn con nít chúng tôi trong xóm lại đi xem xác VC bị bắn chết khi tấn công vào trại Quân cụ, truyền tin… VC là ai? Thì ra cũng là người VN cả nhưng nghe tuyên truyền sao mà ghê! Thực tế chiến tranh khi Thành phố bị tấn công để lại cho mọi người nổi lo, khiếp sợ, cả sự tàn bạo, phi nhân của chiến tranh… Tôi có người anh rể dân Bình Định, trốn lính vào Đà Lạt làm ăn. Trai trẻ chỉ có sức khỏe, dân nông thôn thì chỉ bằng …sức lao động. Anh làm nghề rừng! “Tài sản, vốn liếng” còn đều để ...ở rừng! Sau khi mới im tiếng súng anh lại vào rừng để lấy gỗ về bán lo cho cuộc sống gia đình một vợ và 2 con nhỏ mà cả một mùa xuân chiến tranh đã không còn tiền bạc. Ở nhà lo, không cho đi. Đi đâu lại đi vào rừng thờI gian này, ai biết chuyện gì xảy ra vừa sau trậnchiến. Nhưng anh không nghe vì không đi thì lấy gì lo cái ăn cho gia đình mà gần cả nửa tháng ở nhà tiền bạc không có… Anh đi, để rồi, đi , đi mãi đến 38 năm sau gia đình mới tìm lại được xương cốt, mới có chổ đẹp, mồ yên.. .! Anh ra đi, bên quốc gia cho rằng đã “theo VC”.Thằng con trai bị chúng bạn gọi là thằng “vi xi”! Khi “VC về” ngày 3/4/1975 –“giải phóng thành phố” thì cho rằng anh là “Việt gian”! Con cái trước đó học hành đã bị trể, phải mượn giấy khai sinh để mà đi học...vì cha “theo VC” không làm được giấy khai sanh. Sau năm 1975, làm lạI giấy khai sanh đi học nhưng có được vào đội, vào đòan đâu. Học hết cấp 3 nhưng đâu có được thi vào Đại học vì …thành phần, vì lý lịch, vì..cha …!? Ai làm nên tội? TộI của ai đây? Có tội hay không? Những đứa trẻ có làm gì nên tội mà phải chịu như vậy!? Ở Miền Nam, có lẽ đây không phảI là trường hợp cá biệt, cả cuộc đời, tương lai con cháu phải chịu nhiều thiệt thòi; mớI tuổI 13, 15, 17… phảI chấp nhận “số phận” mà xã hội “ban cho”… Đến bây giờ cũng chẵng có ai nhận lỗi !. Người ta đổ hết cho chiến tranh! Những lứa tuổi lớn lên sau 1975 đâu phảI là ngườI tạo nên cuộc chiến.. và dường như cũng chẵng ai nghĩ sẽ trả lại cuộc đời bình thường cho những đứa con đã bị phân biệt (!!) dù biết rằng chẵng bao giờ trả lại được! - Chiến tranh. Tất cả do chiến tranh, nhưng, phảI nói rõ ràng- tất cả do những người đã tạo nên cuộc chiến tranh. Chính nghĩa hay phi nghĩa? Chính nghĩa luôn thuộc về người thắng trận! Chính nghĩa hay phi nghĩa hay “ý thức hệ”, phe này, phe kia rồI lịch sử sẽ phán xét sau nhưng nhân dân mới là người chịu nhiều đau khổ nhất. Kẻ nào thắng thì nhân dân cũng vậy thôi. Chiến tranh đều bất nhân, tàn bạo, dã man, phi nghĩa….. Cái tuổi thơ ngây của lứa tuổi chúng tôi, phải chăng, sống trong đất nước chiến tranh đã làm cho nhanh lớn?! Thanh niên, trai tráng, luôn là đối tượng trực tiếp để cầm súng bước vào lò lửa chiến tranh. Gái cũng vậy, cũng chịu nhiều đau khổ khi chia tay người mình yêu bước vào đời lính không hẹn ngày về. Số phận học sinh- “Rớt Tú tài anh đi Trung sỹ…”! Và, có gia đình nào thoát khỏi quan hệ chiến tranh khi đất nước đang trong cuộc chiến giữa những người Việt!.

4.Xuân Mậu Thân đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Sau năm Mậu thân, với tôi, bước vào tuổi “trăng rằm ”, với bạn bè nhiều đứa đã nghỉ học để…vào đời lính. Cũng có đứa đi theo “VC”. Chuyện cũng bình thường thôi!? Có lẽ, do tôi có suy nghĩ sớm về cuộc đời, về thân phận con người, về cái nghèo của dân lao động mà gia đình tôi là thành phần ấy. Gia đình tôi từ Huế vào Đà Lạt từ những năm 1930, rồi về lại Huế sau cách mạng tháng Tám( 1945) với “cuộc trường chinh… đi bộ”- sau năm 1954, vào lại Đà Lạt . Chiến tranh. Nghèo khổ!. Hay, có lẽ do tôi thích đọc sách, văn, thơ, lịch sử, và…ham mê âm nhạc, ham mê “ viết lách” nên…hay suy tư… 15 tuổI tôi bắt đầu tập viết nhạc. 16 tuổI viết có chửng chạc hơn. Tôi viết nhiều về chiến tranh, về quê hương, về cuộc “nội chiến” với những bi quan, bi quan quá nỗi vì không biết bao giờ cuộc chiến tranh mới chấm dứt. Học lịch sử- Thăng Long, Đông Đô, Hà NộI, ẢI Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa …sao mà xa vời vợi nhưng sao mà lại gần, thân thiết, tự hào và luôn mong có ngày về nơi mảnh đất cội nguồn dân tộc…Đất nước chiến tranh. Hòa Bình là khát vọng! Trai trẻ ra đi. Những chiến quan tài trở về! Sau một trận chiến bên nào cũng thắng!? Nếu cứ như vậy Việt nam có còn? Người Việt nam có còn?. Dân tộc Việt Nam có còn?! Tôi đâu có ý thức gì để phân biệt… . Tôi chỉ có suy nghĩ ghét chiến tranh, yêu Hòa bình . Chiến tranh chỉ tương tàn huynh đệ. Dù còn tuổi học sinh, trí tuệ non nớt nhưng lại cứ triền miên suy nghĩ. Tôi viết về thân phận quê hương. Viết rồi bỏ đó, chỉ hát cho một số bạn thân nghe …Tôi bi quan về cuộc chiến. Bi quan cuộc sống, bi quan về thân phận quê hương. Tôi viết rồI đã bỏ chúng đi trong một thời gian dài cả mấy chục năm sau thấm thía nghĩa cuộc đời…lần dở lại… Những dòng suy nghĩ một thời dù sao, cũng là chân thật… …Những ca khúc ấy bây giờ, có lẽ chẵng ai hát. Thì thôi, cũng như là nhật ký cuộc đời mình-bằng nhạc, những ca khúc… .

01[1].QUÉ HUNG VA ME


Xuân quê hương( 1969)
04[1].Xuân qué hiidng

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2008

MẬU TÝ- MỘT CHÚT XUÂN...

Mậu Tý- diệt sạch Chuột
Dân chủ và Tự do
Dân sinh được ấm no
Giang sơn giữ toàn vẹn
Mậu Tý -không còn Chuột
Chuột nhỏ và Chuột to
Sạch nhà, sạch đất nước
Thẳng đường vào WTO
Mậu Tý- chuột không còn
Kẻ cao biết ngồi thấp
Kẻ thấp biết ngồi cao
Biết đứng lên giữ nước!
Mậu Tý-Xuân Mậu Tý
Đất nước -một nhành Xuân
Dân quyền đơm hoa trái
Thế giới Việt an lành!