Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

NHỚ VỀ XỨ HOA ĐÀO...

Xứ Hoa đào; Thành phố Hoa; thành phố ngàn thông; miền xứ lạnh; thành phố mù sương…Những tên gọi đã thành danh của thành phố Đà Lạt từ khi Đà Lạt chưa có 100 năm Yersin - Đà Lạt, chưa có Lễ Hội Hoa, Festival Hoa … Nay, Đà Lạt 115 năm Yersin - Đà Lạt …Người Đà Lạt nhớ, nhớ về Đà Lạt, nhớ về xứ hoa Đào, thành phố Hoa, thành phố ngàn thông…


1.Đà Lạt- Xứ Hoa Đào.Khi Đà Lạt kỷ niệm 100 năm Yersin - Đà Lạt, “Ngàn hoa” xuống đường, xuống phố. Đà Lạt ngập tràn Hoa. Rồi, Lễ hội Hoa ( nôm na quá), Festival Hoa ( cho Tây hơn và hiện đại, hội nhập hơn)..lúc đó, cây hoa Mai Anh Đào, dân Đà Lạt gọi nôm na là cây Hoa Mai được chính quyền thành phố thuê cả tỷ đồng để bứng về với những cây cao, thân to, thân nhỏ trồng lại quanh Hồ Xuân Hương và trên nhiều đường phố. Đến nay, lai rai hoa nở, nhiều cây vẫn trơ cành, xao xác lá nhưng màu Hoa Đào ngày xưa vẫn chưa như “thương hiệu”(!) đã có.


“Ngày xừa, ngày xưa” mỗi khi mùa Xuân về cả thành phố rực hồng màu hồng lụa của Hoa Mai Anh Đào trên khắp đường phố, từ trung tâm Hòa Bình, Hồ Xuân Hương lan tòa rộng ra trên nhiều con đường, đến những vùng ven TP. Mai Anh Đào nở hoa trên những đường phố và trong mỗi ngôi nhà, nhất là mỗi mùa xuân đến. Màu Hồng lụa của Hoa Mai Anh Đào xen màu Vàng của Mimosa trong màu xanh của ngàn thông với nhiều màu sắc áo len, áo khoát ngoài của người dân Đà Lạt, đẹp như những bông hoa của xứ ngàn hoa trong rừng hoa, thành phố Hoa….


“Ai lên xứ Hoa đào… ..” Tiếng hát của người khách lãng du lạc vào xứ Hoa Đào ngày nào bây giờ vẫn được hát lên, vang lên như để tiếc, để thương, để nhớ, để người Đà Lạt đi vào hoài niệm, mộng tưởng thành phố Hoa Đào ngày xưa, lạc lỏng trong xứ hoa Đào…ngày nay…Và có lẽ, như “mimosa từ đâu em tới…” nên cũng có người nhớ, tiếc cái “thương hiệu” xưa của Đà Lạt đã đi vào nghệ thuật, cuộc sống tâm hồn của người dân Đà Lạt và mọi miền đất nước; để “tiếp thị”, thu hút khách phương xa, trong nước và quốc tế nên Đảng, Nhà nước ta “làm lại”, “tút lại” cái “thương hiệu”, trồng lại những hàng cây hoa Mai trên những đường phố dốc Lê Đại Hành, công viên Ánh Sáng, rồi trồng lại những hàng cây hoa Mimosa đường Lê Hồng Phong ( Pasteur cũ)…như muốn trả lại màu hồng lụa Hoa Mai Anh Đào, màu vàng nhạt Mimosa; tổ chức các ngày Lễ hội Hoa, Festival Hoa… để mỗi cuối Đông, đón mùa xuân mới, tiếng hát “ Ai lên xứ Hoa đào…” tự ngày xửa, ngày xưa cất lên để người Đà Lạt và khách du đỡ chạnh lòng và tiếng hát mong sẽ không còn lạc lỏng giữa trời xanh của thành phố Đà Lạt “văn hóa - văn minh- hiện đại”….-Có tiếc, có biết, có còn hơn không!.





2.

Đà Lạt thành phố Hoa, xứ của ngàn hoa nên mỗi lẩn Lễ Hội “ngàn hoa” như kéo xuống đường. Hoa “xuống đường” như để thể hiện Đà Lạt là thành phố Ngàn Hoa hay hoa “xuống đường” để đòi quyền dân chủ, dân sinh của Hoa Người như ngày xưa nhân dân Đà Lạt đã xuống đường tranh đấu (!?) hay để sống lại trong mỗi tâm hồn con người Đà Lạt kỷ niệm về thành phố ngày xưa… Những Tháp Hoa, lề hoa ven đường được trồng theo luống; những chậu hoa diểu hành trong mùa lễ hội, chưng trước mỗi cửa hiệu, cửa hàng, tụ hội trước rạp Hòa Bình để mit-tinh hay ào ạt chạy về Công viên Hoa của “xứ sở ngàn hoa”. Hoa của Công viên Hoa Đà Lạt bây giờ nhiều chủng loại, nhiều màu sắc hơn xưa cùng với hoa của nhiều vùng đất nước về đứng như e thẹn, tất nhiên không cứng nhắc như những manơcanh và thu hút không ít khách thưởng lãm… Đó cũng là một kỳ công của Lãnh đạo Công viên và chính quyền thành phố cho Thành phố Hoa có đủ … “ ngàn hoa…”!


Ngày xưa ấy ( thì cũng lại chuyện ngày xưa !) Hoa không được chính quyền nhân dân “quan tâm” trồng và chăm dọc theo những con đường phố như bây giờ. (Có lẽ ngày nay, dân Đà Lạt giàu có hơn xưa nên mới có “ngân sách” để đầu tư trồng, chăm hoa theo công nghệ mới).Xưa, ngoài những Hoa Mai, Hoa mimosa trên những đường phố, trong mỗi nhà, mỗi biệt thự đều có vườn hoa. Dận lao động, nhà dù nghèo, trước nhà vẫn dành một ít đất để trồng hoa chứ không có đem Phong Lan, đem rừng về nhà để làm thành những chậu kiểng to, kiểng nhỏ chơi như ngày nay. Những bờ rào ven đường phố cũng là những dàn hoa - Hoa giấy,Thiên Lý, Tường vi, Kim Chi, Cẩm Tú Cầu…;nhà dân lao động nghèo với những hàng rào Dâm Bụt, Ngũ Sắc……Hoặc trồng những luống hoa như Hồng, Cúc, Glây dơn, Thược Dược…nhiều màu sắc…Tất cả, mỗi gia đình tự trồng và chăm sóc. Mỗi nhà mỗi vẻ. Người Đà Lạt yêu hoa, có vậy mới trồng hoa. Nếu kinh doanh thì những nhà kinh doanh trồng Hoa thành vườn để hoa về Sài gòn, đi khắp Miền Nam. Khách Du đi đâu cũng thấy hoa. Người Đà Lạt yêu Hoa, người Đà Lạt có tâm hồn Hoa bởi vậy mới xây dựng, giữ gìn cho thành phố của mình là Thành phố Hoa mà sắc màu hoa như ửng hồng trên đôi má người thiếu nữ, thắm trong tâm hồn, trái tim con người Đà Lạt, trên những đôi tay tài hoa để làm chủ, dựng xây thành phố. Con người biết yêu hoa, trồng hoa, chăm sóc cho hoa như tự vun trồng, chăm sóc cho chính tâm hồn, cuộc sống tâm linh của mình, cho thành phố của mình; yêu quý, giữ gìn đất trời Đà Lạt ngàn thông, ngàn hoa, thăng hoa cùng với nếp sống, tạo nên phong cách” hiền hòa, thanh lịch…”….Đà Lạt, người là Hoa của đất(!) nhưng bây giờ dường như chuyện …ngày xưa….


3. “Thành phố ngàn thông”; “Thành phố lạnh, “miền xứ lạnh”; “thành phố mù sương”... Thành phố ấy, tên gọi ấy, những cư dân tuổi trẻ Đà Lạt bây giờ và sau này có lẽ nghe …như chuyện cổ tích !...


“Ngày xửa, ngày xưa,”mới năm nào hơn 30 năm trước, rất nhiều con đường Đà Lạt là những “con đường hoa nắng”. Lãng mạn hơn, có những cặp tình nhân đặt những tên con đường theo tình cảm riêng của mình- “con đường tình yêu”; “con đường mang tên em”… nhưng “con đường hoa nắng” lại đặc trưng của Đà Lạt thành phố ngàn thông.


Đà lạt với địa hình đồi núi. Những ngọn đồi cao thoai thoải thông mọc thành rừng. Vì thành phố được xây dựng bởi Pháp nên Đà Lạt xưa những Dinh, Thự đều xây trên những ngọn đồi. Mỗi dinh thự nằm trên một ngọn đồi, ẩn hiện trong rừng thông và nhiều sắc hoa. Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống sương mù lãng đảng, những ngọn thông xanh ẩn hiện. Nhà dân cư có lô quy hoạch hẳn hoi, nằm trên những triền đồi hoặc dưới chân đồi trong những ngàn thông. Phố với những hàng cây xanh, đặc trưng với cây hoa Mai anh Đào.Những đường phố Đà Lạt chạy theo những ven đồi, hai bên đều là Thông. Thông đứng thành rừng. Đi trên những con đường Đà Lạt thông che như rợp bóng, ánh năng xiên lung linh trên con đường cảm giác như những hoa nắng bay bay. Con đường Hoa Nắng, những con đường gắn liền với tuổi trẻ-tình yêu, nhiều mơ mộng. Những con đường Võ Tánh ( nay là Bùi thị Xuân”; đường Cộng Hòa ( nay Lý Tự Trọng); Đường Bà Huyện Thanh Quan ven Hồ Xuân Hương; Nguyễn trường Tộ; Quang Trung, Trần Bình Trọng, Pasteur, Triệu Việt Vương…;nhiều nhiều, là những con đường hoa nắng mà tuổi học trò ai cũng đã từng đi qua phố để đến trường học cùng với những tà áo dài màu trắng, màu xanh da trời của những cô nữ sinh viên Đại học Đà Lạt, những nữ sinh Bùi thị Xuân, Bồ Đề, Việt Anh, Văn Học, Văn Khoa, Trí Đức…bay bay… Buổi sớm đi tên đường sương mù lan tỏa. Những hạt sương đọng trên mi mắt, trên tóc, trên mặt, trên quần áo. Những mùa vào đông lớp sương mù rơi theo những bước chân, đọng thành lớp băng mỏng trên áo, trên tóc, trên vai…Và, những đêm trăng, ai có nhớ! Đêm trăng Đồi Cù. Trăng đêm Đà Lạt.


“Đây phú thiêng liêng đã khởi đầu

Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt

Như đón từ xa một ý thơ


Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới nước đáy hồ reo

Để nghe tơ liểu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu

Hàng thông lấp loáng đứng trong im

Cánh lá in như đã lặng chìm

Hư thực làm sao phân biệt được

Sông Ngân Hà nối giữa màn đêm


Cả trời say nhuộm một màu trăng

Và cả lòng tôi chẵng nói năng

Không một tiếng gì nghe động chạm

Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.” ( Đà Lạt trăng mờ- Hàn Mạc Tử)



4.Thành phố Ngàn Thông nay Thông nào có còn! Thông không còn Đà Lạt có còn không?! Còn chứ! Thông vẫn còn đứng rải rác như những di tích của một thời mang tên gọi. Những vùng ven, ngày xưa là rừng thông ( là kim), rừng lá rộng nay đã thành những vườn Rau, vườn Hoa ( để gọi là thành phố hoa). Thành phố mở rộng hơn xưa và nhà mọc lên lớp lớp ken dày. Đà Lạt có những lô đất ở cả trung tâm thành phố ( Như thung lũng góc đường Đào Duy Từ -Yersin (Trần phú bây giờ ); Hàm Nghi; Ánh Sáng; vườn mít ( Nam kỳ khởi nghĩa ngày nay…) và nhiều nơi khác ngày xưa không ai dám xâm chiếm ( chứ không phải vì dân Đà Lạt ngày xưa quá ngu không biết chiếm đất ở phố, hay lấn đất những ngọn đồi để làm nhà. Thời ” người cày có ruộng, phế binh có nhà”( 1970) thì phế binh cũng chỉ dám làm nhà tạm nhưng không “yên hùng” như thời “cách mạng” ngày nay…!


“Đà Lạt Thành phố anh hùng” nên ngày nay “cán, chính, quân, dân” ta đã “xung phong” diệt đi cả ngàn quân nhà Thông của thành phố; “khai hoang” đất phố để làm nhà. Nhà là nhà chứ chẵng cần nhà trong rừng, rừng trong phố. Nhà thấp, nhà cao, nhà bé, nhà to, to đùng, sửng sửng, chểm chệ như những pháo đài, bức tường thành… .Nhà “hợp pháp” hẳn hoi”. Đúng cả quy hoạch và kiến trúc(!).. Cứ “lấn chiếm” rồi hợp thức hóa…Thành phố anh hùng bây giờ phát triển, đi lên thành phố “hiện đại”nên nhà nhà cao tầng “hiện đại” cũng mọc lên đẹp đến ghê sợ như khu nhà chen chân, bá vai đứng hàng hàng, lớp lớp ở dãy phố đường Thành Thái xưa, Nguyễn Chí Thanh nay…. Ngàn Thông, ngàn Hoa; Rừng Thông, rừng Hoa phần bị tiêu diệt, phần chạy tứ tán…nên bây giờ nhà nhà, khách sạn, cơ quan, nhà hàng …phải trang bị thêm quạt máy để điều hòa nhiệt độ cho có cảm giác như đang ở “miền xứ lạnh” ngày xưa. Những buổi trưa Hè nóng thì nóng nực. Những buổi sáng sương mù trở thành như loại “quý hiếm”, nếu nhớ thì cứ bâng khuâng tìm cảm giác trong phim ảnh xứ Hàn, Xứ Tàu, xứ Tây. Mỗi cuối đông, đón Xuân về, Đà Lạt Thành phố ngàn hoa rợp Hoa ở Chợ Đà Lạt. Những ngày Lễ Hội, Festival Hoa hoa lại “diểu hành”, xưống đường, xuống phố. Những con đường của xứ Hoa Đào xưa nay cũng rải rác điểm xuyết cho thành phố thêm đẹp cùng với những loài hoa Ban, hoa Móng Bò…màu trắng, màu tím, đỏ…từ vùng cao xứ Bắc tản về để cho Đà Lạt Thành phố trẻ của đất nước thống nhất cùng đi lên “văn minh, hiện đại ”. Đà Lạt thành phố ngàn thông, tên gọi nay còn như là kỷ niệm, sống chìm trong tâm tưởng của người Đà Lạt ” hiền hòa, thanh lịch, mến khách”… ngày xưa.


Thời đại mới, văn minh, tiến bộ, tiếc làm gì, hoài niêm làm gì(!)… nhưng dù sao người Đà Lạt - chủ nhân Đà Lạt ngày xưa vẫn một chút buồn vì những tên gọi ngày xưa nay cứ lại được nhắc đến, gọi tên làm người Đà Lạt…nhớ, nhớ sao chịu nổi…

Không có nhận xét nào: