Thứ Ba, 1 tháng 4, 2008

TỐ TÂM





I. Tôi bước chân vào trường sư phạm qua hai vòng thi, lúc đó không dễ dàng như bây giờ. Nhà giáo lúc đó được trọng vọng. Là nghề cao quý. Lương không thấp, dư sống với một cuộc sống thanh bạch của người giáo chức!.

1.Vào trường SP, bạn bè lứa tuổi cùng lớp, cùng học thời trung học không có nhưng có thêm những người bạn mới, nhiều lứa tuổi. Gái thì có những người chuẩn bị hoặc đã lập gia đình; Trai, tuyệt đại đa số - “trốn lính”! “Trốn lính” vào học nghề làm thầy, dù “thân phận nổi trôi” theo dòng đời trong xã hội chiến tranh, rồi hòa bình với nhiều xáo động trong cả cuộc sống, xã hội và thân phận con người. Sau này, có người tiếp tục “con đường” trên vai trò, trách nhiệm người thầy cho đến hiện tại, có người không chấp nhận được cái môi trường có “sư” mà thiếu”sư”, có “phạm” mà thiếu “phạm”; không chấp được lối sống bon chen hoặc vì cuộc sống …đã bỏ “nghề” ra xã hội để cầm cái cuốc hoặc bương chải trong cuộc sống xã hội để tồn tại bằng lao động mà nhiều giá trị bị đảo lộn(!).

Ở trường SP dù có thêm nhiều người bạn thân mới nhưng tôi lại thân thiết nhất với hai ngườI bạn,một trai và một gái!. Trên chiếc xe Honda dam của tôi lúc đó sau yên xe hình như không lúc nào trống, không người bạn này thì người bạn khác nhưng thường xuyên thì chỉ…có hai! Người bạn gái cũng có xe chứ nhưng hình như chỉ thích xe do tôi “cầm lái”! Người bạn trai thì luôn gắn bó, ngày cũng như đêm… Chúng tôi thân nhau vì…cùng thích nhạc, thích đàn. Người bạn gái thì thích học đàn vì cũng cần cho nghề làm cô giáo. Tiền cà phê, thuốc lá tôi kiếm thêm bằng …đi dạy đàn, nhưng tất cả, chủ yếu là tiền của Mẹ…Như vậy đó mà cũng không chịu “an phận”! Lòng yêu nước, yêu quê hương người giáo viên nào mà chẵng có!. Thầy giáo lúc đó, đa số là những người đi “truyền lửa”, ngọn lửa yêu nước, yêu quê hương, yêu hòa bình, yêu NGƯỜI..!Nhiều văn nghệ sỹ, những nhà văn, nhà báo, thi sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ thời đó …xuất thân là nhà giáo !…Tình cảm yêu nước của các thế hệ trẻ trong học đường cũng được truyền bởi những người thầy- “kẻ sỹ” của thời đại! …Văn, thơ, nhạc…yêu nước dễ làm cho bạn bè gần nhau còn tình cảm riêng tư, yêu đương, mộng mơ thì ai cũng có….Chúng tôi là hạt nhân của nhóm nhạc- tốp ca khúc của trường sư phạm, hát và phổ biến cho nhau những ca khúc làm “vốn liếng” để đi dạy học sau này vừa trao cho nhau những tình cảm quê hương, đất nước … Rồi, thầy giáo dạy nhạc giao cho tôi thay Thầy hướng dẫn giờ học Nhạc cho lớp, rồi giao cho tôi phụ trách chương trình nhạc, còn thầy dựng vở kịch chính trong chương trình văn nghệ của trường lần đầu tiên biểu diễn trước công chúng thành phố…Những hoạt động ấy đã tạo thêm dấu ấn, nhiều kỷ niệm, sau này hay kể lại khi chúng tôi gặp nhau hay những lần họp mặt… Chúng tôi thân nhau, quý mến nhau, ăn ngủ chung với nhau, chuyện riêng tư…đều kể, gần gủi nhau về quan niệm sống và thái độ nhận thức về cuộc chiến…

2.Học “làm thầy “ nhưng trong nhà trường thì cũng vẫn là “trò" cho nên chúng tôi cũng có lúc ...“cúp cua”....Riêng tôi, đã có người “chép bài thay”, “vẽ thay” …khi “trốn học” và “lười học”! Khi thiếu tiền cà phê đã “có chổ” để vay(!)…Tình cảm riêng tư đã có nhiều xao động, tình cảm ấy sau này đã làm khổ cho người và cho mình!…Cái gì đến dù muộn mằn rồi …cũng đến!…Người bạn tôi sau này gặp một người con gái tâm hồn lúc đó cũng đầy tràn tình cảm quê hương và “dấn thân”…Người ấy lại là bạn của người con gái đã trao tặng tôi câu thơ”-Chỉ vì đôi mắt mà ngơ ngác, Như có hoàng hôn đổ xuống lòng”… Rồi, một ngày, tôi buồn, tôi giận, tôi thương người bạn của tôi vì thương tôi và Mẹ tôi mà đã nói với Mẹ tôi là tôi “làm VC” và sợ tôi bị bắt! Vì thương mẹ tôi, sợ mẹ tôi lo cho tôi mà tôi giận bạn; tôi thương bạn vì bạn thương tôi mà lo cho tôi và gia đình tôi! Bạn tôi biết tôi giận nhưng không nói. Tôi thì chẵng sợ gì vì tôi tin bạn dù người bạn ấy “không đi chung đường”, nhưng dù sao, tôi phải giữ mình, nếu những người bạn khác biết thì…rất nguy hiểm! Chúng tôi vẫn đi học với nhau, đi chơi với nhau, cũng bình thường như trước kia nhưng vẫn có chút gì đó(!)… Thời gian ấy chúng tôi cũng sắp ra trường, sắp xa những người bạn gái, trai, yêu thuơng, thân thiết. Sống với nhau thật thà, vẹn một tinh thâm!…

Ngày ra trường, nhận nhiệm sở, chúng tôi mỗi đứa về một nơi. Tôi không thể đi khỏi địa bàn địa phương vì …là nhiệm vụ. Chia tay nhau trong …lặng lẽ! Những cánh chim đã cất cánh bay về những phương trời. Mỗi người có một “lý tưởng” sống- Sống yêu người, yêu đất nước, quê hương, yêu thương những học trò bé nhỏ, hồn nhiên, ngây thơ; vui với cuộc sống nhiều ước mơ tuổi trẻ, với riêng tôi lại còn có cả “nhiệm vụ”…!Bầu trời đất nước thời chiến tranh, lứa tuổi chúng tôi, dù sao cũng có bầu trời cao rộng. Chúng tôi có những quyền tự do mà mình muốn làm gì thì cứ làm miễn sao sống có đạo lý, giữ thiên chức người thầy, không hại người, không bị ràng buộc bởi những “cái hồ lô” yêu quái!.Yêu đất nước thì mỗi người mỗi cách….Với người “con gái ấy”, nhiều tình cảm, nhiều kỷ niệm, nhiều xốn xang! Một hai lần tìm gặp nhau sau ngày “lặng lẽ” và, mãi hơn ¼ thế kỷ sau này, tôi mới được nghe lại giọng nói từ bên kia bán cầu…-."vẫn âm sắc xưa/pha chút màu thời gian/ cộng hưởng không gian/ Vẫn âm thanh giọng nói xưa/ chân thật/ của cõi lòng chân chất/ hồn nhiên /Anh nghe thêm cả điệu nhạc tâm hồn của lời nói xưa /chưa nói bằng lời/ của hôm nay/ không nói được bằng lời…” Sau đó, chúng tôi có một lần gặp lại nhau!…-Ôi,” Maria! Tố Chân….”!

II. Biền biệt một thời gian không ngắn, ở hai địa phương chỉ cách nhau một cái cầu, lâu lâu chỉ hỏi thăm để biết tin nhau. Nhưng cuộc đời, “gặp nhau trong cõi vô thường, nên duyên sẽ là mãi mãi…” ! Hai bạn trai chúng tôi gặp lại nhau khi mỗi đứa vừa mới lập gia đình! Con gái đầu lòng của cả hai lại cùng tuổi. Đứa thứ hai tôi có thằng con trai, bạn tôi có thêm đứa con gái đều…sinh cùng năm. Bạn tôi “thua” tôi, tôi có thêm một đứa con gái…!

1.Cuộc sống sau ngày “giải phóng”, trong cơ chế thời “bao cấp” sau này kể lại cho con cái nghe chúng không thể tưởng tượng nổi, tưởng rằng như chuyện “đời xửa, đời xưa”, chuyện ở thế kỷ nào trong cái thời “ngàn năm nô lệ…”. Từ cái ăn, cái ở, cái mặc, sản xuất, nuôi trồng; đi xe, đi cộ…mọi thứ…cứ như đùa(!). Đi dạy học, đi công tác bằng đôi chân đi bộ hàng chục cây số là chuyện bình thường. Bây giờ con cái đi đâu cũng có xe, hàng ngày lại “luyện tập đi bộ”!…Tuổi thanh niên trẻ, khỏe- “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”(!). Những ai “nhiệt tình CM”thì nơi nào xa lắc, xa lơ, không ai dám đến thì tuổi trẻ nhiệt huyết…”xung phong”! Người bạn tôi tự nguyện đến cái vùng đi bộ phải 60 cây số mới đến buôn làng đồng bào dân tộc, vùng “căn cứ CM” xưa, đem “cái chữ” đến cho đồng bào. Tự dựng lớp, dựng trường; đi “mời” gọi học trò đến lớp trong khi “đồng bào” cần cái ăn hơn cái chữ. Sống xa thị trấn. Thiếu thốn mọi bề. Đúng là nơi thiếu… “ánh sáng…”..-“Không “có thực” lấy gì “vực được đạo”(!) nhưng , tất cả mọi nhiệm vụ đều là …“hành động cách mạng”, luôn phải có “ánh sáng nghị quyết” soi đường. Có ” ánh sáng nghị quyết” dường như là có tất cả(!?).Chuyện về cái “ánh sáng nghị quyết”, trước đây khi nghe kể tôi nghĩ rằng là chuyện bịa. Sau này gặp một anh bạn trước cũng tham gia lãnh đạo phong trào SVHS tranh đấu nay đã nghỉ hưu kể lại, thì ra, chuyện ấy lại thật 100%, vì anh là một trong những nhân vật “tiếu lâm” …trong chuyện!

Cái khổ, cái thiếu, xa “văn minh đô thị” (dù đang dần “nông thôn hóa”) làm cho con người ta “mù tịt” thông tin, chẵng biết gì về thế giới chung quanh mình sống ngoài “thông tin” của “ánh sáng nghị quyết”, của “loa đài” một thời đã tạo nên một “lực lượng vật chất ”đi “giải phóng”, “làm cách mạng thế giới”(!). Những nguời đem gieo “ánh sáng” tự mình cũng đang cần! Trong rừng thẳm thâm u “ánh sáng” ấy cũng chẵng “dọi “được đến đâu. Muốn phá rừng để “đổi đời” cũng chẵng có lối để đi! Ánh sáng cuộc đời đang bị mây che phủ. Những ngày mưa, giá lạnh, đêm đến ngọn lửa bếp hồng của nhà sàn hoặc ngọn lửa rừng đêm vẫn có giá trị hơn!. Sống nghèo, sống khổ rồi cũng quen!. Sống với “đồng bào” lâu lại hiểu, cảm, thương và học được nhiều điều từ cái dung dị, chân chất, cái nhân bản, cái đẹp của “bản sắc văn hóa dân tộc”..Tình người, tình nhân loại…vẫn là ngọn lửa ấm….Cái thời ấy, tuổi trẻ không đến thì ai đến!? Đi thì dễ về thì vô cùng khó, nhiều người muốn về đã phải…bỏ nghề! Cái lý tưởng, ước mơ đã dần được “chứng” trong cuộc đời thực…!!.

Với “cái máu” say mê văn nghệ, âm nhạc. Vốn liếng về nhạc chủ yếu là tự học cũng chưa được nhiều, ảnh hưởng cái thói ham mê của bạn thời còn đi học, bây giờ “chàng giáo làng buôn” lại thích viết lách, sáng tác ca khúc. Viết bằng cả tấm lòng, bằng nhiệt tình, yêu thương, bằng cả cuộc sống, thi vị hóa cảnh khổ, lạc quan yêu đời.. -“Lũ chúng tôi những ngườI tứ xứ, gặp nhau trên cao nguyên thắm rừng xanh núi…Ươm mầm xanh cho đất nước rộn mùa hoa”. “Này bạn bè này bao em thơ. Ngày ngày ngày rộn vang bao câu ca. Cơm chiều gõ nồi. Chấm bài trò tả thầy đọc ra cười vang…” RồI, Cô- Trò “thi tài” hái chè. Hái cà phê “Thầy-Trò kiến cắn”. Những đêm lạnh quây quần ” khoai lùi bếp nóng, thắm tình quê hương…”! Hoặc tình cảm của những đứa học trò nghèo với “cánh hoa khoai lang”, “bìm bìm” tặng Thầy nhân ngày 20/11…(!!).

2. Sau những năm mới xóa bao cấp, con cái thì còn nhỏ, hai vợ chồng đều là giáo viên nghèo, những ngày nghỉ cũng phải đi hái đót về bán cho người ta làm chổi để kiếm thêm chút thu nhập, cải thiện đời sống. Sống ở Thị xã cách trung tâm khoảng hơn 2 km mà như ở nông thôn nhưng cũng “ấm bụng” hơn nhiều công nhân viên ở thành thị. Nhu cầu của cái bụng vẫn còn hơn cái đầu ; cái cơ bắp hơn giá trị tinh thần, trí tuệ, văn hóa. Cuộc sống hàng ngày ngoài gạo, mắm phải chạy ở chợ, còn rau, củ, thịt, cá…”tự túc” để “tự cấp”, cải thiện . Có những lúc tôi và một vài người bạn đi công tác cũng “nhờ thêm” của cải ”tự cấp” ấy cùng với chung rượu mà cảm thấy đời có vui lên…Cái nhốn nháo của xã hội ngày càng “bục” ra!. Rồi, lại “khí khái” của ” kẻ sỹ”, không chấp nhận được cái môi trường thiếu lành mạnh cả về giáo dục và sư phạm, thiếu lành mạnh cả về tri thức và nhân cách, cả mấy người bạn cùng thời, dù đang làm công tác quản lý… rủ nhau -Nghỉ! Về ( đi thôi!)…đi cuốc đất thuê! Không muốn cầm phấn bây giờ cấm cuốc! Chẵng phải cuốc cho mình mà đi cuốc thuê. Bỏ ra cái sức cơ bắp, “thanh thản tâm hồn” bằng lao động chân chính để kiếm cái ăn, cái mặc còn hơn “đánh đĩ” trí thức; tự biết rằng chẵng bao giờ giàu có nhưng được là giàu tâm hồn, giàu nhân cách, biết “sỹ”, biết “liêm” hơn rất nhiều kẻ “kinh doanh” bằng chữ ký, đi bằng miệng như con ốc sên, hót hay như con sáo, không có “sỹ”, có “liêm” nhưng miệng luôn nói đến công bẳng, liêm, sỹ, chí công vô tư, vì dân, vì nước…Nói “thanh thản tâm hồn” là được xa cái môi trường không làm cho tâm hồn thanh thản nhưng nhìn những cảnh đời và xã hội thì vẫn lắm nổi đau đời lắm chứ!….Nhiều người nhìn vào … chê bai, cho là kẻ “ngu ngốc”, “lập dị” (!)... Đúng- một anh chàng “lập dị”, quá thật thà, khờ dại, thiếu “khôn ngoan”.. nhưng dù sao, sống với con người, với đời bằng cái tâm chân thật là…quá quý rồi. Mong sao trong xã hội ngày nay ngày càng có nhiều người có Tâm chân thật. TÂM -CHÂN-THẬT, TÂM SỐNG SÁNG! -Tâm sáng- sáng tâm!
@
Gần trọn đời đi dạy học. Cả gia đình hai bên chống vợ hầu như tất cả đều làm nghề giáo. Hai con gái giờ đã lớn, tiếp tục nghề của Bố, Mẹ, nay đã là những cô giáo dạy cấp 3…Ông thầy giáo trẻ trung, nhiệt tình, luôn lăn xã vào công tác xã hội, sống với bệnh nhân “cùi”, luôn vì người khác ngày nào…bây giờ vẫn chân chất, có chút ” cù lần” (vì … “dại, khôn”) ở nhà, hàng ngày “làm nội trợ” và chăm cháu ngoại. Những bạn thơ, nhạc, tri kỷ…lâu lâu lại gặp nhau nhưng hội hè thì lại không thích. Thời gian của ngày luôn suy tư về gia phận, cuộc sống con người, đạo lý của đời, cuộc sống Tâm linh!.
Con đường …vẫn còn dài…Những gì tự Quay về của hôm nay sẽ là “vốn” cho ngày mai!….
Tôi nghĩ rằng, Đời vẫn luôn cần những tấm lòng- tấm lòng trắng trong -dù hôm nay còn nhiều rẻ rúng…!- “Tố Tâm”!

Không có nhận xét nào: