Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2007

Phải chăng đã có sự lãnh cảm của tuổi trẻ và nhân dân?



Những ngày qua, sự kiện Trường Sa, Hoàng sa trở thành một Huyện lỵ của Trung Quốc cùng với vấn đề tuổi trẻ cứ nằm trong suy nghĩ của tôi. Nhân dân, cán bộ công chức, viên chức lao động dường như thờ ơ với vấn đề lớn của đất nước- Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm chiếm. Đà Lạt đang chuẩn bị Festival Hoa, Người Đà Lạt cũng chẵng quan tâm. Việc ai nấy làm!. Mỗi người dường như chỉ lo cuộc sống của mình, lo cái ăn, cái mặc, cuộc sống học hành con cái. Chuyện đất nước hầu như là việc của “Đảng, Nhà nước”!
Sáng nay(11/12) trước khi đến cơ quan làm việc, ngồi uống café buổi sáng, vẫn nếp phong lưu của ngươì “CBCC nhà nước”, tình cờ tôi gặp một Bí thư Đòan TN (cấp Huyện, Thành phố) quen biết, đến sau và ngôì cùng bàn. Tôi hỏi chuyện- Chủ nhật vừa rồi tuổi trẻ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh biểu tình phản đối Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam em có biết không? Trong thanh niên có suy nghĩ, phản ứng gì không? Cũng thật tình, người Bí thư trả lời- Em không biết, mà trong thanh niên cũng chẵng thấy ai nói gì?.Em chờ chủ trương của cấp trên nhưng chẵng thấy ai có ý kiến gì cả!.. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện. Người Bí thư nói- Thật ra, thông tin về Trường Sa, Hoàng Sa em cũng không rõ, có phải là của mình hay không cũng không biết chắc chắn!? Lâu nay cứ nghe nói là của Việt Nam(!), mà VN mình tranh chấp với TQ cũng lâu rồi! Bản thân em cũng không có thông tin gì về Trường Sa, Hoàng Sa gì hết! Đó là nhận thức, ý kiến cũng “thật lòng” của một Bí thư Đòan, một tổ chức làm công tác thanh niên, tổ chức “đội hậu bị của Đảng CSVN”..Trong các tầng lớp khác, trong CBCC và cả trong những ĐVCS nhiều người nghe vụ việc cũng thờ ơ với ý nghĩ- Thằng Tàu nó mạnh hơn ta, ta đánh làm sao lại nó(!). Các ông lãnh đạo chỉ lo tham nhũng thì có ai mà quan tâm đến đất nước! -Trường sa, Hoàng Sa “mất” thì cũng phải thôi!!. Tôi cũng đã hỏi một số người và bạn bè thân quen. Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc VN, TQ vẫn luôn luôn mạnh hơn ta nhưng cha ông ta vẫn đánh thắng nó, giữ gìn bờ cõi đất nước, bài học của ông cha ta là gì ? Bài học lịch sử VN hầu như thế hệ trẻ chỉ biết về cuộc đấu tranh CM từ khi có Đảng CSVN lãnh đạo, dù cũng rất thơ ơ, còn ngoài ra, hầu như mơ hồ về truyền thống lịch sử của Cha Ông ta, trừ những người lớn tuổi…
Thực tế hiện nay, tôi nghĩ, những suy nghĩ ấy không phải là cá biệt.Và đất nước ta sẽ như thế nào khi bị kẻ thù xâm lược trên quy mô lớn hơn, không phải ở Hải đảo mà ở đất liền, chiếm một bộ phận nào đó của đất nước VN mà các tầng lớp nhân dân trong xã hội đều thờ ơ! Nước sẽ mất! Đảng sẽ kêu gọi nhân dân “toàn quốc kháng chiến”? Dân có còn nghe theo ? còn tin ? còn đứng lên “đáp lời sông núi” ?
Qua phản ứng của một bộ phận tuổi trẻ ở hai thành phố lớn của đất nước- HN, TP HCM và một số người luôn sống với tình hình cuộc sống chính trị đất nước cảm thấy “nhục mất nước”, còn những những người gánh trọng trách của đất nước, xã hội họ làm gì?- Chắc chắn những người đang cầm bút có tiếng nói họ không phải là những người giàu có, những “tỷ phú, tư sản đỏ”. Họ nghèo nhưng họ có liêm sỹ, họ ý thức được vai trò trách nhiệm của một “sỹ phu” đối với đất nước. ” Xã tắc hưng vong, thất phu hữu trách”! ”Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Đó là đạo làm người của “kẻ sỹ” và cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi con dân Việt trong xã hội. Vậy mà…..
Phản ứng, tiếng nói của tuổi trẻ không phải là vô vọng!. Dù mới “thức dậy” trong bao năm ngủ mê dù với tuổi đời tuổi trẻ không phải là người “mê ngủ” !Chúng ta vẫn tin tưởng và tự hào về tuổi trẻ VN và cũng có nhiều băn khoăn về sự lãnh cảm của không ít bộ phận nhân dân và tuổi trẻ về sự kiện Trường Sa, Hòang Sa hiện nay…
Người Bí thư đoàn tâm sự tôi nghe cũng có lý! Lâu nay mọi thông tin về Trường Sa, Hoàng Sa Đảng, Nhà nước có nói gì đâu, Đoàn thanh niên đâu có bao giờ biết để tuyền truyền, giáo dục cho thanh niên rằng đó là mảnh đất của tổ quốc VN ( dù tuyên truyền cũng chưa chắc tạo nên sự ý thức- lâu nay trong tuổi trẻ, của nhân dân dường như đã có một sự chai lỳ trong nhân thức tư tưởng!). Mọi việc đều chờ sự chỉ dạo của cấp trên. Cấp trên không chỉ đạo cấp dưới đâu dám làm, đã không làm thì cũng không cần phải suy nghĩ ! Luôn trông chờ cấp trên (!) vậy cuộc sống hàng ngày của nhân dân ai quan tâm đến? Còn việc nước lại là “việc lớn”, “nhạy cảm” không ai dám có những ý kiến và suy nghĩ khác(!). Cơ chế lãnh đạo, quản lý đất nước hiện nay đang làm gì, vì mục đích gì?. Những tổ chức gọi là của nhân dân có phải là của nhân dân, nếu là của nhân dân thì mọi vấn đề phải xuất phát từ nhân dân tại sao chỉ luôn ngồi đó trông chờ? Cả một hệ thống tổ chức chính trị-xã hội nhân dân bị tê liệt, đã bị Nhà nước hóa. Thực chất những tổ chức ấy cũng là tổ chức, cơ quan nhà nước!
Nhiều vấn đề từ sự kiện “mất “(!) Trường Sa, Hoàng Sa nhân dân và những người có trách nhiệm chắc có suy nghĩ và phải làm gì để giành lại Trường Sa, Hoàng Sa!.Mọi vấn đề của xã hội đều là vấn đề đất nước; mọi vấn đề của đất nước đều liên quan đến vận mệnh của nhân dân, dân tộc vì sao lại có “cơ chế” độc quyền!? TQ từ xưa đến nay ở sát nách VN ta vẫn luôn là “nước lớn, “nước mạnh” sao cha ông ta không sợ, dám đánh để giữ từng tất đất, ngọn cỏ của Tổ Quốc Việt Nam! Đặc điểm chính trị xã hội mỗi thời đại mỗi khác nhưng bài học của cha ông ta- “ …Lấy nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh!….” là gì? Có phải Đảng, Nhà nước hiện nay đang thể hiện(?) hay đã có vấn đề gì đằng sau?! Hiện nay lực lượng quân đội của ta đang làm gì? Được xây dựng như thế nào? trang bị ra sao?... Dù là “bí mất quốc gia” nhưng nhân dân cũng phải biết những gì cần biết và những vấn đề lớn của đất nước phải biến thành tình cảm,nhận thức, ý thức trong tuổi trẻ, nhân dân. Đó là quyền được thông tin, quyền dân chủ của nhân dân. Với quốc nạn tham nhũng, tệ quan liêu cửa quyền, xa dân, không tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân và sự thờ ơ hiện nay trong nhân dân, trong tuổi trẻ và những chủ trương, động thái của Đảng, Nhà nước thời gian qua mà sự kiện Hòang Sa, Trường Sa chỉ là một, nhân dân có quyền nghi ngờ, nghi ngờ mọi việc và nhân dân cũng rất lo âu, nếu sự lãnh cảm hiện nay trong không ít bộ phận nhân dân thì khi đất nước “nguy biến” thì sẽ sao đây?!
Người Bí thư đoàn, xét trên góc độ nào đó không có lỗi. Tuổi trẻ hiện nay không có lỗi!. Lỗi và trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc, nhân dân, về đất đai bờ cõi ông cha ta để lại là của ai đây?!

Không có nhận xét nào: